Thị trường nông sản trong nước tuần đến ngày 11/8/2014

11/08/2014  

Gạo: Giá tăng bất thường

Đầu tháng 8, giá gạo tại ĐBSCL tiếp tục tăng cao bất thường do nhu cầu tăng mạnh và nông dân trữ hàng.


Cụ thể, thương lái thu mua tại ruộng lúa hạt dài từ 5.700 – 5.800 đ/kg, lúa IR50404 đạt mức khoảng 4.700 – 5.000 đ/kg, tăng từ 300-500 đồng/kg so với cách nay 1 tuần và tăng từ 800-1.000 đ/kg so với cuối tháng 6. Lúa khô được mua cao hơn từ 700-1.000 đ/kg. Với giá thu mua này, nông dân sản xuất vụ hè thu có thể đạt lợi nhuận 30%.

 

Thống kê của VFA cho thấy đến hết 31/7, các DN Việt Nam đã xuất khẩu 3,617 triệu tấn gạo. Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu trong tháng 7 đạt trên 615.000 tấn, trị giá 264,6 triệu USD, cao nhất kể từ đầu năm 2014. Trong 8 mặt hàng gạo xuất khẩu, gạo thơm có mức tăng trưởng ấn tượng với 700.000 tấn (tương đương 1,4 triệu tấn lúa), tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên theo các chuyên gia, gạo Việt Nam vẫn phải dè chừng với gạo Thái Lan vốn dĩ vẫn có chất lượng được đánh giá cao hơn Việt Nam cộng với thế mạnh giá thấp hơn.

 

Cà phê: Giá tại Tây Nguyên giảm mạnh

 

Tuần qua, giá cà phê Tây Nguyên liên tục giảm mạnh, xuống 37,4-38,5 triệu đồng/tấn (8/8).

 

Giá cà phê Robusta giao tại cảng TPHCM giá FOB ngày 11/8 giảm 44 USD từ 1.952 USD/tấn ngày 10/8 xuống 1.908 USD/tấn, với mức trừ lùi -40.

 

Số liệu do Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) công bố, tổng khối lượng xuất khẩu trong 9 tháng đầu niên vụ 2013/2014 của VN đạt 16,2 triệu bao, tương đương khối lượng của cùng kỳ niên vụ 2012/2013. Việt Nam tiếp tục là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới trong 9 tháng đầu niên vụ, chỉ sau Brazil.

 

Theo Bloomberg, nông dân cà phê tại Việt Nam nước sản xuất cà phê Robusta hàng đầu thế giới, đang bán ra lượng lớn hàng dự trữ sau khi giá tăng. Tính đến cuối tháng 7/2014, lượng cà phê lưu kho chưa bán của nông dân Việt Nam đạt 175.000 tấn, bằng khoảng 10% khối lượng thu hoạch kỷ lục 1,7 triệu tấn, thấp hơn so với 12% ước tính trung bình của 13 thương nhân trong cuộc khảo sát của Bloomberg. Cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê lưu kho đạt 180.000 tấn trong khi sản lượng thu hoạch là 1,5 triệu tấn.

 

Sắn và sản phẩm

 

Tại Quy Nhơn, tình hình mua bán nội địa và xuất khẩu hàng tàu hiện đang khá chậm do các bên không thỏa thuận được về mức giá. Tại Tây Ninh, lượng mì về cửa khẩu ngày 8/8 tăng đột biến lên mức 400 tấn.

 

Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết, tính đến cuối tháng 6/2014, tổng lượng tồn kho sắn lát khoảng trên dưới 300.000 tấn. Cụ thể, khu vực Quy Nhơn và Tây Nguyên còn dưới 200.000 tấn, TP.HCM còn dưới 100.000 tấn và khu vực phía Bắc còn khoảng 20.000 – 30.000 tấn.

 

Tình trạng tồn kho cũng xảy ra với tinh bột sắn. Từ tháng 3 nhiều doanh nghiệp ở khu vực miền Trung Tây Nguyên đã phải thuê kho dự trữ tại Quy Nhơn. Ước tồn kho tinh bột sắn đến ngày 20-6 khoảng 150.000 tấn.

 

Nguyên nhân theo Hiệp hội sắn Việt Nam do các doanh nghiệp không thỏa thuận được giao dịch cho các đơn đặt hàng mới. Thời gian vừa qua Trung Quốc tập trung mua hàng từ Thái Lan, trong khi trước đây họ mua hàng của Việt Nam là chủ yếu. Trước sự ảm đạm kéo dài của thị trường và lượng tồn kho tinh bột sắn lớn, nhiều doanh nghiệp phải chấp nhận bán lỗ với giá dưới 420 USD/Tấn cho đợt giao hàng tháng 6.

 

NG.Hương

 

Nguồn: Vinanet/Thitruongvtic.vn, Agromonitor

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn