Được giá, diện tích trồng tiêu ở Đồng Nai tăng nhanh

11/08/2014  

Từ cuối tháng 7 và đầu tháng 8, các đại lý nông sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thu mua hạt tiêu đen của người dân với giá 194.000-196.000 đồng/kg, tăng khoảng 10.000 đồng/kg so với giữa tháng 7/2014 và cao nhất từ trước đến nay.

Các đại lý kinh doanh nông sản cho biết giá hạt tiêu ở Đồng Nai cao hơn các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa- Vũng Tàu và Gia Lai từ 5.000 - 6.000 đồng/kg bởi chất lượng tiêu của Đồng Nai được đánh giá tốt, hạt tròn mẩy, thơm hơn so với tiêu ở các vùng khác. Tiêu đen của Đồng Nai dùng làm tiêu sọ (tiêu trắng) chất lượng cao hơn hẳn.

 

Theo Sở Công Thương tỉnh, sản lượng hạt tiêu xuất khẩu tháng 7/2014 ước đạt 900 tấn tương đương 6,8 triệu USD, tăng lần lượt khoảng 2 lần về lượng, 2,2 lần về giá trị so với cùng kỳ. Lũy kế 7 tháng năm 2014, sản lượng tiêu xuất khẩu của tỉnh ước đạt 4.500 tấn tương đương 34,2 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu gồm Hoa Kỳ 20 triệu USD, Thái Lan 2 triệu USD, Anh 2 triệu USD, Thụy Điển 1 triệu USD...

 

Một số nhà vườn trồng tiêu tại các huyện Xuân Lộc và Cẩm Mỹ cho biết lượng tiêu trong dân hiện còn tồn không nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ lớn nên giá tiêu liên tục tăng. Đây là năm thứ tư liên tiếp, tiêu giữ được mức giá cao. Với giá tiêu hiện nay, người nông dân lãi cao. Cụ thể, sản lượng khoảng 4 tấn/ha, sau khi trừ chi phí đầu tư cho sản xuất nông dân cũng lời khoảng 550 - 600 triệu đồng/ha/năm.

 

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, giá hạt tiêu trên thế giới sẽ còn tiếp tục giữ ở mức cao trong thời gian tới vì nguồn cung không được dồi dào.

 

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh, Đồng Nai là một trong 3 tỉnh có diện tích tiêu lớn nhất cả nước. Đến nay, toàn tỉnh có diện tích trồng tiêu trên 9.000 ha, tăng gần 2.000 ha so với đầu năm 2013. Trong đó, các huyện hiện có diện tích trồng tiêu tăng nhanh là Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ, Thống Nhất... Những năm gần đây, giá hạt tiêu dao động ở mức cao, bình quân từ 140.000 - 170.000 đồng/kg. Nhiều hộ nông dân đã chuyển các diện tích không thích hợp của cây trồng khác sang trồng tiêu. Bà con nông dân chú trọng đầu tư, ứng dụng tiến bộ bộ khoa học kỹ thuật vào chăm sóc để kéo dài thời gian thu hoạch. Với cách làm đó, nhiều nông dân trồng tiêu tại huyện Xuân Lộc giàu lên, một số người trở thành triệu phú.

 

Ông Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tiêu năng suất cao Phước Lộc (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc), là người đầu tiên ở huyện Xuân Lộc mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây tiêu. Sau 1 năm lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, áp dụng một số kỹ thuật mới trong khâu chăm sóc, năng suất tiêu đạt hơn 6 tấn/ha, năm tiếp theo lên 8 tấn/ha. Từ đó đến nay, năng suất tiêu luôn ổn định từ 7-10 tấn/ha/năm. Trong 3 năm gần đây, vườn tiêu của ông thu lãi từ 700-800 triệu đồng/ha/năm.

 

Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, những năm trước, nông dân các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ và thị xã Long Khánh mất hàng ngàn hécta tiêu do bị bệnh chết nhanh, chết chậm, thậm chí có những khu cây tiêu bị xóa sổ. Nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng trên do bà con chăm sóc tiêu không đúng cách hoặc chủ quan trong công tác phòng bệnh. Cụ thể, việc bón phân không cân đối dẫn tới tiêu bị thiếu dưỡng chất hoặc ngộ độc do thừa một số chất. Vườn tiêu không thông thoáng, độ ẩm cao tạo điều kiện để nhiều loại nấm bệnh phát triển.

 

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UND huyện Xuân Lộc cho biết, năm nay, diện tích tiêu của huyện đã tăng trên 500 ha. Hiện nay, Xuân Lộc có trên 2.100 ha tiêu. Hàng năm, diện tích trồng mới từ 300 - 500 ha, tập trung chủ yếu tại các xã Xuân Thọ, Xuân Hiệp, Xuân Tâm, Xuân Trường và Suối Cao. Riêng địa bàn hai xã Suối Cao diện tích trồng mới khoảng 300 ha.

 

Rút kinh nghiệm từ những đợt tiêu chết hàng loạt của các năm trước, bà con trồng tiêu trên địa bàn cần thận trong công tác chăm sóc. Theo đó, với diện tích trồng mới, bà con chủ động các bước phòng bệnh trước khi xuống giống, bố trí tường bao xung quanh vườn tiêu tránh dòng nước mang mầm bệnh từ nơi khác chảy vào vườn được chú trọng, khai thông hệ thống mương thoát nước. Bên cạnh đó, công tác chọn giống được thực hiện cẩn thận.

 

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng tiêu, ông Trần Hữu Thắng cho biết tiêu là cây trồng khó tính, với đất trồng không phù hợp, nhất là vùng đất ẩm, thời gian đầu tiêu vẫn tăng trưởng tốt do rễ chỉ phát triển trên bề mặt. Tuy nhiên, 3 - 4 năm sau, nhiều vườn tiêu chết hàng loạt do dịch bệnh thối rễ. Khi đó, nông dân bị thiệt hại lớn do vốn đầu tư phát triển vườn tiêu thường cao gấp hàng chục lần so với các loại cây trồng khác. Chính vì vậy, ngay tại vùng chuyên canh cây tiêu là Xuân Thọ, đất không phù hợp, nông dân không nên trồng tiêu.

 

Ông Thắng cho biết thêm đối với vườn tiêu dùng thân leo bằng trụ sống như xoan, gòn, vông…, do cây trồng với mật độ dày, lại liên tục bị cắt tỉa cành nên việc cạnh tranh ánh sáng giữa chúng diễn ra rất khốc liệt. Bên cạnh đó, thân cây bị rễ tiêu bòn rút dưỡng chất nên đến thời điểm nhất định cây sẽ bị chết. Do vậy, để bảo vệ vườn tiêu không bị đổ ngã, sau thời gian thu hoạch khoảng 5 - 6 năm, bà con tiến hành trồng trụ khác để thay. Hom tiêu cần tuyển chọn tại những vườn tiêu khỏe, sau đó mang về xử lí thuốc diệt nấm bệnh. Trụ tiêu cũng nên được xử lí mầm bệnh trước khi trồng nhằm hạn chế tình trạng tiêu không chết mà trụ đã chết.

 

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, khẳng định cây tiêu hiện đang là loại cây trồng có thu nhập cao nhất ở nước ta. Do vậy, việc chăm sóc, bảo vệ cây tiêu là rất quan trọng. Thời gian qua, nông dân chăm sóc tiêu vẫn chưa đúng cách nên năng suất không cao, đồng thời dễ phát sinh nấm bệnh. Qua nghiên cứu, kiểm chứng của các nhà khoa học, cây tiêu phát triển tốt khi dùng với phân hữu cơ và áp dụng quy trình bón phân cân đối theo từng thời kì sinh trưởng. Bên cạnh đó, người trồng tiêu chủ động vệ sinh vườn tiêu thông thoáng, có hệ thống thoát nước. Nếu bón phân cân đối, cây tiêu không chỉ cho năng suất cao mà còn có khả năng chống chịu bệnh tốt.

 

Ông Phan Văn Hồng, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, cho biết Trung tâm thường xuyên khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng tiêu theo phong trào, vì với những vùng đất không thích hợp, nhất là vùng đất trũng, thoát nước chậm nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao.

 

Nguồn: TTXVN

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn