Thị trường cà phê vụ mới bắt đầu chộn rộn
Giá xuống do yếu tố bên ngoài
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa ở các tỉnh Tây Nguyên dịu dần sau khi chạm mức đỉnh cao nhất của niên vụ cũ, từ 42 triệu đồng/tấn, sáng nay chỉ còn quanh mức 40,8 triệu đồng/tấn, giảm 500.000 đồng/tấn so với cuối tuần trước.
Trong nửa đầu tháng 10-2014, giá cà phê khắp nơi đều lên mạnh do dự báo lượng mưa giảm ngay trong tháng cây cà phê cần mưa tại các vùng cà phê Brazil, nước xuất khẩu số 1 thế giới. Đến nay, thời tiết tại nước này vẫn chưa có chuyển biến tích cực nhưng giá các sàn kỳ hạn vẫn “bầm dập” vì chịu ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô nhiều hơn.
Đồng nội tệ reais BRL mất giá ở mức thấp nhất tính từ gần 6 năm nay (12-2008) với 2,2467 BRL ăn 1 đô la Mỹ đã kích nông dân nước này bán ra. Mặt khác, biến động chính trị tại Hong Kong vẫn âm ỉ và có lẽ là lý do chính cho giá nhiều thị trường chứng khoán thế giới chao đảo; các nước phương Tây chưa bỏ ý định trừng phạt Nga sau vụ Ukraine, giá dầu thô có khi giao dịch chỉ còn 80 đô la Mỹ/thùng có thể gây ảnh hưởng xấu đến kim ngạch xuất khẩu của Nga…
Các sàn cà phê tuần qua bị hút theo sức nóng “vĩ mô” ấy hơn là khô hạn tại Brazil. Giá kỳ hạn robusta Ice tại châu Âu đóng cửa phiên hôm qua giảm 39 đô la/tấn, là phiên có mức giảm sâu nhất trong tuần, để rồi mất 47 đô la/tấn so với tuần trước. Arabica Ice giảm sâu hơn, cả tuần mất 9,75 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương với 215 đô la/tấn.
Thị trường nội địa chộn rộn cho vụ mới
“May thật, vừa mới bán xong tuần trước cà phê vụ cũ với mức 41,5-41,7 triệu đồng/tấn, không thì để đến bây giờ mất ăn rồi,” anh Phan Văn Thương ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắc Lắc vừa mừng vừa kể.
Trong nửa đầu tháng 10-2014, nhiều người đã quyết định đúng khi bán các mức cao, trên 41 triệu đồng/tấn. Hàng đợt ra thị trường vừa qua thường là hàng vụ cũ hay còn gọi là tồn kho “gối vụ”. Hàng niên vụ 2014-15 nhiều nơi mới hái trái chín bói. Khi mới đây bán được giá cao hơn cả 1 triệu đồng/tấn thì không ai còn muốn bán mức như sáng hôm nay.
“Nông dân nay đã hết cà phê vụ cũ. Quả vụ mới chỉ hái bói nhưng chẳng được là bao… Nhà tôi ở gần đại lý thu mua nhưng thấy họ chưa mua được hạt nào so với bằng giờ năm ngoái”, đó là lời kể của một nông dân lấy tên “thongnguyen” trên một mạng thông tin cà phê.
Thật vậy, cà phê vụ mới nhiều nơi vẫn chưa thu hoạch, còn trên cây. Tuy nhiên, đang có nhiều mức giá cho hàng tại chỗ bán giao xa từ tháng 12-2014 trở về sau. Nghe rằng, các thương buôn nội địa ngã giá trong mức 39-40 triệu đồng/tấn cho hàng chính vụ. Nếu thật như thế, đây có thể là mức kỳ vọng khi giá xuống thấp cho niên vụ này.
Thấy giá tăng, người mua đã bắt đầu trả giá xuất khẩu thấp hơn, nay đang chào mua tại mức trừ 80-100 đô la/tấn dưới giá niêm yết kỳ hạn robusta Ice. Mức này cũng chính là mức vừa “sở hụi” để người mua đưa hàng sang trữ tại sàn kỳ hạn đợi thời cơ thuận lợi siết giá “ăn thua đủ” trên sàn.
Tuy nhiên, một số nhà xuất khẩu cho rằng họ không dám bán xuất khẩu với mức trừ lùi thấp vì sợ rủi ro, không chỉ lỗ vì bán thấp giá mà còn khi giá thấp có thể sẽ không mua được cà phê để giao hàng vì nông dân giữ quá chặt như trong mấy năm gần đây.
Tồn kho tại các nước tiêu thụ tăng
Hiệp hội Cà phê Nhật Bản báo tính đến hết tháng 9-2014 tồn kho cà phê trên toàn nước Nhật đạt 189.150 tấn, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2013 là 178.293 tấn, đấy cũng lên mức cao kỷ lục tồn kho cà phê tại Nhật từ trước đến nay.
Báo cáo định kỳ hàng tháng của Hiệp hội Cà phê Hạt của Mỹ (Green Coffee Association – GCA) cho biết rằng tồn kho cà phê trong tháng 9-2014 của Mỹ giảm nhẹ với 11.211 bao, còn 6.027.292 bao, tức 361.637 tấn. Tuy nhiên, số lượng này vẫn cao hơn cùng kỳ năm 2013 là 580.487 bao.
Tồn kho đạt chuẩn đấu giá (tenderable) robusta của robusta Ice tính đến hết ngày 13-10 đạt 119.950 tấn, tăng 8.280 tấn so với kỳ báo cáo trước. Một vài chuyên gia cho rằng tồn kho đạt chuẩn robusta sẽ tiếp tục tăng trong mấy tháng tới. Tuy nhiên, họ đoán rằng lượng tồn kho đạt chuẩn robusta sẽ không dâng cao như mức đỉnh cũ là gần 420.000 tấn lập vào giữa năm 2011 (xin xem biểu đồ 2). Có nhiều lý do trong đó có một phần vốn rất lớn đầu cơ đã chia bớt để trữ tồn kho đạt chuẩn arabica. Tính đến hôm nay, tồn kho arabica Ice đạt 142.669 tấn, ước thời giá của lượng tồn kho arabica này là 675 triệu đô la Mỹ.
Với lượng tồn kho tại châu Âu ước đến nay chừng 720.000 tấn, tồn kho tại 3 vùng lãnh thổ tiêu thụ chính của thế giới đạt gần 1,3 triệu tấn, tăng chừng 100.000 tấn so với tháng trước.
Tồn kho trong tay các nước tiêu thụ lớn với giá trị cao, cộng với giá kỳ hạn và thị trường nội địa có thể chấp nhận được, theo sau các phân tích và tuyên bố nước ta và Brazil mất mùa, thế giới thiếu hụt cà phê, nhưng vừa qua Hiệp hội Cà phê&Ca cao Việt Nam (Vicofa) đang báo với thị trường muốn tạm trữ 200.000 tấn cà phê… Nhiều ý kiến thiệt hơn về ý định này đang được bàn cãi trên thị trường.
|
||||
Nguyễn Quang Bình Thứ Bảy, 18/10/2014, 14:04 (GMT+7) |
- PV OIL điều chỉnh giá bán lẻ, bán buôn xăng dầu từ 15h00 phút, ngày 03/10/2015 05/10/2015
- Giá xăng dầu 28/03/2015
- E5 giảm 320 đồng, giá xăng khác giữ nguyên 06/02/2015
- Giá nông sản tại Việt Nam tuần 27-31/10/2014 03/11/2014
- Giá xăng dầu giảm tiếp từ 30-160 đ/lít 10/09/2014
- Xuất khẩu tiêu sang Mỹ tăng hơn 25% về khối lượng 25/08/2014
- Cà phê: nếu được mùa có nên lo mất giá? 27/07/2014
- Hỗ trợ vay vốn mua máy móc thiết bị 24/07/2014
- Hạt Điều VN 22/07/2014
- Giá vàng và giá Đô la 08/07/2014