Giá cà phê rớt: Có gì bất ngờ?
Yếu tố bên ngoài
Biểu đồ 1: Lợi suất 13 sàn kỳ hạn hàng hóa sau một năm (số liệu: investing.com) |
Tuy chưa hết năm, có thể nói rằng năm 2014 là năm hạn của người sản xuất và kinh doanh hàng hóa. Kết quả thống kê của 13 sàn kỳ hạn hàng hóa chính trong vòng 12 tháng qua cho thấy rằng chỉ có hai sàn có lợi suất tăng là cà phê arabica Ice (+53,99%) và lúa mì (+0,89%), số còn lại đều giảm, đặc biệt các sàn năng lượng-nhiên liệu có mức giảm từ 30% đến 46% (xin xem biểu đồ 1).
Giá kỳ hạn cà phê cả năm tăng tốt, đặc biệt arabica, một mặt do thị trường lo ngại thiếu hụt arabica vì hạn hán tại Brazil những tháng đầu năm nay và mùa mưa đến trễ. Sàn arabica nhiều lần đã làm đầu tàu kéo sàn Ice châu Âu, giúp giá robusta vững dần cho đến gần cuối năm.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giá hàng hóa giảm hàng loạt, song lý do chính phải kể là giới đầu cơ rút vốn để chuyển qua thị trường cổ phiếu. Quả vậy, mới mấy ngày gần đây, chỉ số Dow Jones (Mỹ) lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua mốc 18.000 điểm, chỉ số S&P (Mỹ) đóng cửa cao kỷ lục lần thứ 51 chỉ nguyên trong năm 2014 với đỉnh 2.082 điểm.
Đứng từ góc độ này mà nhìn, giá cà phê rớt nguyên cả tháng nay không phải là bất ngờ. Các yếu tố như hạn hán, sản lượng... được sử dụng như cái cớ thu hút lực thanh khoản từ bên ngoài. Đó là chưa tính tới khả năng giá cà phê còn rớt nữa theo luật bù trừ do các quỹ đầu cơ cân đối vốn giữa các sàn theo định kỳ, điều chỉnh thấp được nâng lên, cao phải gọt xuống.
Biểu đồ 2: Diễn biến giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu trong tháng 12-2014 (tác giả cập nhật) |
Yếu tố bên trong
Giá kỳ hạn robusta không được hưởng đặc ân hay luật trừ. Đầu tháng 12, đóng cửa có giá cao nhất tháng ở mức 2.066 đô la/tấn, nhưng trước khi nghỉ lễ Giáng sinh 2014 ngày 24-12 chỉ còn lại 1.903 đô la/tấn (biểu đồ 2).
Các quỹ đầu cơ rút cược khỏi sàn robusta Ice châu Âu, từ mức trên 400.000 tấn mua khống, đến giữa tháng 12 chỉ còn giữ lại 132.640 tấn, dự kiến mức này đến hôm nay chỉ còn dưới 100.000 tấn. Rút cược thường đi với bán tháo. Bán để thoái vốn làm giá giảm.
Tin hạn hán, mất mùa, thiếu hụt... đến nay vẫn chưa đảo ngược được hướng giá xuống vì Brazil, Colombia...vẫn xuất khẩu mạnh, chưa chứng minh được mình mất mùa nặng như nhiều người từng thông báo. Trong khi đó, tồn kho trong tay vài khối nước tiêu thụ lớn (EU, Mỹ, Nhật) đang ở mức trên 25 triệu bao (bao = 60 kg) hay 1,5 triệu tấn.
Biểu đồ 3: Cấu trúc giá kỳ hạn đã hết đảo (số liệu: Ice Europe) |
Trong tháng 11-2014, cấu trúc giá trên sàn kỳ hạn Ice châu Âu ở thế đảo (inverted) hay còn gọi là “vắt” (squeezing), tức giá tháng giao ngay cao hơn các tháng giao xa. Điều này nói lên rằng thị trường giao ngay thiếu hàng nên giao càng sớm được hưởng giá càng cao. Nếu như ngày 3-11 giá giao dịch tháng 1-2015 cao hơn tháng 3-2015 là 2 đô la/tấn, thì ngay đầu tháng 12 đã chuyển ngược lại, giá tháng giao ngay cao hơn tháng sau, đến 24-12, giá tháng 3-2015 cao hơn tháng 1-2015 là 39 đô la/tấn và tháng 5-2015 cao hơn đến 60 đô la/tấn (biểu đồ 2). Với mức chênh lệch 40 đô la/tấn, thị trường cho biết hàng về sau sẽ dồi dào, không có gì phải vội.
Đợt vắt giá đã qua. Nhu cầu giao hàng cần kíp nhanh chóng hết. Rõ ràng nhu cầu cà phê không thể giải quyết một sớm một chiều kiểu như vậy được. Thế nên, ở đây cần hiểu rằng một số tay chơi trên thị trường đã tạo nên tình huống giả để lập mưu tính kế gì đó có lợi cho hướng đầu tư của mình. Tạo vắt giá làm nhiều người bán tưởng hiện tượng thiếu hàng là thật, đòi giá cao, trong khi bên nhập khẩu không mua. Đây là hình thức chặn dòng hàng xuất khẩu một cách có kỹ thuật bằng cách kích động lòng tham giá cao. Khi nhiều người có hàng không bán, tình hình “thiếu hàng” càng trở nên căng thẳng, bên đầu kia họ bán ra càng có lợi cả lượng và giá... trong khi bên này nhiều người đợi mòn mỏi và cuối cùng...mới phát hiện mình “lỡ đò”.
Rủi ro và thách thức
Hiện nay, thu hoạch cà phê niên vụ 2014/15 đã gần xong. Dư luận chung cho rằng sản lượng ít hơn. Vụ sau 2015/16 càng nhỏ nữa do một vài tiên đoán tình trạng thiếu nước và biến đổi khí hậu. Xuất khẩu hai tháng đầu niên vụ đều dưới 100.000 tấn. Dự kiến lượng xuất khẩu tháng 12-2014 không khá hơn. Hàng ra thị trường nhỏ giọt. Cung ứng cà phê trên thị trường nội địa căng thẳng, một mặt dư âm giá cao đầu vụ vẫn còn, khuyến khích tâm lý ghim hàng, mặt khác các thành phần dân cư tại các vùng nguyên liệu thấy giá xuống như là cơ hội cho “kênh” đầu tư mới. Cà phê chạy lòng vòng trong nước, đội giá nội địa cao so với giá xuất khẩu, nên hàng ra khỏi nước chưa nhiều.
Giá xuất khẩu loại 2,5% đen bể nay đang được chào bằng giá niêm yết sàn kỳ hạn robusta, nhưng chẳng ai mua. Nghe rằng chỉ có vài hợp đồng nhỏ bán mức trừ 20-30 đô la/tấn FOB (giao hàng qua lan can tàu) và chỉ mua khi thật cần hàng.
Do không có đầu ra, nhiều người mua mở kho cho gởi cà phê để bán và chỉ chấp nhận mua “để đó” theo giá trừ lùi (differential) vì giá mua đứt bán đoạn (outright) quá cao! Người gởi kho nhận tiền ứng trước 70% hay 80% do chưa cắt được giá bán vì chờ giá cao. Các động thái vừa qua của dư luận và thực tế thị trường đang đưa người bán vào “bẫy” vì một khi lượng hàng gởi kho quá nhiều, tất cả chủ kho rủ nhau đưa hết cà phê lên sàn để treo bán, giá kỳ hạn sẽ chịu sức ép một khi bên bán rủ nhau chốt giá... và thua lỗ. Vì... càng sợ càng bán, càng bán càng lỗ...
Lượng cà phê gởi vào kho chưa chốt giá bao nhiêu, rất khó quản lý và không ai quản lý. Vì không thể quản lý, rủi ro sẽ từ đây.
Giữa tháng 12-2014, giá kỳ hạn arabica rớt tơi tả khi thị trường nắm được tin hãng kinh doanh cà phê uy tín Thụy Sĩ, Volcafe, nâng ước báo sản lượng cà phê năm 2015 Brazil thêm 2,5 triệu bao lên 49,5 triệu bao so với năm này. Cứ tưởng tượng rằng chỉ cần một chỉnh lý tăng nhẹ con số sản lượng nước ta của ai đó, rất có thể nhiều tay đầu cơ viện cớ để tháo chạy khỏi sàn, người bán buộc phải chốt bán... rủi ro chính cũng từ đây!
Giá chỉ có cơ hội phục hồi khi các quỹ đầu cơ ngưng thoái vốn và quay lại đặt cược vào sàn. Đừng để tâm lý lung lạc và mù quáng theo thông tin thị trường, vốn dễ bị thao túng hay xúi giục mua bán theo bầy đàn. Làm chủ thông tin bằng cách đưa ra những kịch bản từ xấu đến tốt nhất cho kế hoạch kinh doanh để chọn phương án tối ưu.
Đối với nông dân, tối ưu nhất nên chia sản lượng thành từng đợt, thấy giá được, có lời, là bán để hạn chế rủi ro mất mùa và mất giá.
- PV OIL điều chỉnh giá bán lẻ, bán buôn xăng dầu từ 15h00 phút, ngày 03/10/2015 05/10/2015
- Giá xăng dầu 28/03/2015
- E5 giảm 320 đồng, giá xăng khác giữ nguyên 06/02/2015
- Giá nông sản tại Việt Nam tuần 27-31/10/2014 03/11/2014
- Giá xăng dầu giảm tiếp từ 30-160 đ/lít 10/09/2014
- Xuất khẩu tiêu sang Mỹ tăng hơn 25% về khối lượng 25/08/2014
- Cà phê: nếu được mùa có nên lo mất giá? 27/07/2014
- Hỗ trợ vay vốn mua máy móc thiết bị 24/07/2014
- Hạt Điều VN 22/07/2014
- Giá vàng và giá Đô la 08/07/2014