Thị trường cà phê: Trứng chọi đá?

10/01/2015  

(TBKTSG Online) - Giá cà phê phóng lên mạnh, tuy nhiên, xu thế rất mong manh. Độ lâu bền của một thị trường giá tăng có thể được trả lời trong vài ngày tới.

Thị trường sôi động nhờ giá tăng

Nếu như tháng 12-2014 giá cà phê giảm 150 đô la/tấn và thị trường nội địa có lúc chỉ còn 38 triệu đồng/tấn, thì chỉ trong 10 ngày đầu tháng 1-2015, giá kỳ hạn đã lấy lại 99 đô la/tấn và cà phê nguyên liệu tại các tỉnh Tây Nguyên có người bán được 41 triệu đồng/tấn.

Đáng tiếc, chỉ trong hai ngày cuối tuần này, giá trên sàn kỳ hạn tại châu Âu lại đảo chiều, thị trường nội địa đã quay về lại mức 40-40,2 triệu đồng/tấn. Ở mức này trở lên, mua bán nhộn nhịp hơn, chí ít một số nhà vườn lúc đầu định ghim hàng đợi giá cao hơn để bán, nay đã sẵn sàng đưa ra thị trường một ít nhằm bán “lấy ngày” để mong cho cả niên vụ mới 2014-15 cà phê được giá.

“Thị trường thực sự được khuấy động bởi đợt giá tăng nhanh trên hai sàn kỳ hạn ở nước ngoài,” ông Lê Văn Danh, chủ đại lý thu mua cà phê ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng khẳng định. Thật vậy, trên sàn robusta, giá đã tăng 116 đô la/tấn từ 1.864 đô la/tấn nhảy cóc lên 1.980 đô la/tấn đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư 7-1, để rồi đóng cửa hôm qua 9-1, giá kỳ hạn robusta chốt mức 1.963 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 1).

Trong lúc đó, giá arabica tăng nhanh 19 cts/lb (xu/cân Anh) để có giá đóng cửa 180,05 cts/lb, tương đương gần 420 đô la/tấn chỉ trong mấy ngày đầu tháng 1-2015.

Tăng bao nhiêu mới thỏa?

“Nhiều bà con cho mức 40 triệu đồng/tấn là cơ hội bán ra, nhưng ngay lập tức thấy mình bị ‘hớ’vì giá đã nhảy nhanh lên 41 triệu đồng/tấn lúc nào không hay”, anh Danh nói.

Tuy nhiên, một số người trồng cà phê vẫn chưa thỏa mãn với giá hiện tại, họ khuyên nhau không nên bán vội vì sợ bán nhiều sẽ gây sức ép làm giá xuống. Một người tên Huỳnh Ngọc An đã khuyến nghị trên một mạng thông tin cà phê như sau: “Tôi tin năm nay giá cà phê còn tăng nữa chứ không dừng ở đây do mất mùa… Còn lên hay không, tùy bà con, nếu đồng tâm bán chậm lại ắt giá phải lên thôi”.

Giá cà phê tuần qua tăng mạnh, đặc biệt trên sàn kỳ hạn arabica (Mỹ) do rộ lên tin các vùng cà phê Brazil lại thiếu nước. Tại Tây Nguyên, mùa thu hoạch vụ mới đã xong, nông dân nhiều nơi báo sản lượng giảm. Dư luận chung trên thị trường cũng đều xác nhận như thế. Một thăm dò với 12 doanh nghiệp do hãng thông tấn Bloomberg thực hiện đầu tháng 12-2014 cho kết quả sản lượng năm nay giảm 1,8% chỉ còn 1,65 triệu tấn, hãng kinh doanh Volcafe (Thụy sĩ) cũng hạ ước tính của họ xuống 27,4 triệu bao (bao=60 kg) so với 28,5 triệu bao ước trước đó.

Tâm lý chờ giá cao hơn lại càng có cơ sở khi cơ quan khí tượng thủy văn tỉnh Đắc Lắc và Đắc Nông báo cáo lượng mưa đo được từ 10 trạm thủy văn địa phương cho kết quả thấp hơn năm ngoái: trong tháng 9-2014 chỉ 251,6 mm và tháng 10-2014 là 102 mm so với 482,8 mm và 147,7 mm tương ứng với hai tháng cùng kỳ năm 2013.

Phong trào giữ lại hàng chờ giá còn được hỗ trợ do tình hình tài chính gia đình nông dân nay càng ngày càng khá hơn nhờ cà phê và nhiều loại hàng nông sản khác tại địa bàn được giá. Nhiều ngân hàng cũng tăng cường cho nông dân vay vốn để khỏi bán mạnh đầu vụ, gây sức ép bán ra làm giá thị trường giảm oan uổng.

Lưỡi hái treo trên thị trường

Đến nay, mới có thống kê đầy đủ và chính xác bảng kê lợi suất của 36 sàn giao dịch được chọn tiêu biểu trên thị trường tài chính. Các sàn cà phê và gia súc là các mặt hàng kinh doanh sinh lợi nhất trong 12 tháng vừa qua.

 

Biểu đồ 2: Lợi suất 36 sàn giao dịch của thị trường tài chính năm 2014 (nguồn: NewEdge)

Nay nói mà không sợ sai rằng năm 2014 là năm của mặt hàng cà phê vì sàn  kỳ hạn arabica có lợi suất tăng 50,5% và robusta 12,9%, sàn cà phê Brazil cũng đạt mức tăng 45,2%. Như vậy, trong 36 sở giao dịch, chỉ có 13 sàn giao dịch có giá tăng và 3 sàn tăng giá thuộc về ngành hàng cà phê.

Theo thông lệ, cứ mỗi đầu năm, các quỹ đầu tư sẽ thực hiện một cuộc đại điều chỉnh vốn. Các chuyên gia lo rằng do năm qua cà phê được các quỹ đặt cược quá mạnh và hút vốn đầu tư nhiều, nên dễ trở thành mục tiêu điều chỉnh lớn nhất.

Ngân hàng Societe Generale (Pháp) ước rằng nếu các quỹ đầu cơ đưa sàn arabica Ice (Mỹ) vào diện rút để điều chỉnh, số vốn phải cân đối lên đến 1,24 tỉ đô la.

Đợt điều chỉnh vốn đã qua được 2 ngày và cà phê tạm thời thoát nạn. Điều chỉnh vốn vẫn còn tiếp tục vào 3 ngày đầu tuần tới. Nếu như các quỹ đầu cơ “cho qua”, cũng có nghĩa rằng họ tin mất mùa hạn hán tại hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất là có thật, dù niềm tin ấy hết sức tạm thời.

Tóm lại, các điều kiện thực tế sản xuất và tâm lý thị trường đã đủ để làm người có hàng, cả nhà vườn lẫn người lấy vốn nhàn rỗi mua trữ cà phê mong kiếm lợi về sau, khá vững tâm để cùng giữ lại vừa chờ giá cao hơn, vừa gây thiếu hụt hàng trên thị trường nên tạo động lực cho giá tăng. Nhưng, cái lưỡi hái là sức mạnh đồng tiền của các quỹ đầu cơ tài chính vẫn đang treo lủng lẳng trên các sàn kỳ hạn.

Người sản xuất mong manh như trứng. Liệu “đá” có chọi bể “trứng”?

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn