Thật thật giả giả chuyện mất mùa cà phê

08/12/2014  

(TBKTSG) Hai tháng rưỡi nữa mới đến Tết Nguyên đán vì ngày mồng Một tháng Giêng năm Ất Mùi rơi vào ngày 19-2-2015. Thế mà tiến độ thu hái cà phê tại Tây Nguyên, vựa cà phê của cả nước, nay ước đạt từ 40-50%, một chuyên gia ngành hàng đã nhận xét như vậy ngay sau một chuyến khảo sát.

Thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên. Ảnh: T.L

 

Xuất hiện dấu hiệu mất mùa?

 

Đối với nông dân, họ thường tính theo Âm lịch, năm nay tháng 9 Âm nhuận hai tháng, nên Tết đến trễ. Ngược lại, dân kinh doanh cà phê thời nay lại tính theo Dương lịch, với họ đến tháng 11-2014 mới thu hoạch là đã trễ.

 

Thôi thì cứ lấy nông dân làm gốc. Họ bảo rằng hàng năm, thu hoạch cà phê đến trước Tết chừng một tuần, nửa tháng là chấm dứt. Nếu lấy Tết Nguyên đán làm đích, nhịp độ thu hái cà phê niên vụ này đến nay như thế là khá nhanh tuy thời gian từ đây đến Tết còn dài. “Dù cà phê được giá ngay từ đầu niên vụ mới 2014-2015, thị trường vẫn chưa xuất hiện sức ép bán ra”, chuyên gia trên cho biết. Hiện tượng bán mạnh thường do lượng hàng ra nhiều và hàng xuất khẩu xuống tàu lớn.

 

Thời điểm này các năm trước, tiến độ thu hoạch chỉ đạt chừng 20-30%. Năm nay có cái gì đó là lạ.

 

Thu hái nhanh hơn có thể xuất phát từ khối lượng thu hoạch ít hơn, nghĩa là sản lượng thấp. Vả lại, giá đầu vụ cao, trên 40 triệu đồng/tấn, là lực cám dỗ lớn để trộm cắp hoành hành tại các vùng cà phê đang kỳ thu hoạch.

 

Nhiều nơi, kẻ gian đã bẻ cành chặt cây tuốt trái cà phê bất kể sống chín, để lại hậu quả mất sản lượng cho nhiều năm sau. Chính vì thế, nông dân tại đó chỉ còn cách tận thu sớm, thà “xanh giỏ hơn đỏ đồng” vì sợ đợi đến trái kẻ gian sẽ hái hết.

 

Hái trái xanh non làm giảm chất lượng ly cà phê và có khi mất sản lượng đến 20%, một cán bộ Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết.

 

“Nhiều nhà vườn đều báo sản lượng năm nay thấp hơn năm ngoái rất rõ”, ông Nguyễn Văn Thành, chủ doanh nghiệp thu mua và chế biến cà phê Hoa Trang, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, cho biết về những thông tin ông tiếp nhận từ nông dân.

 

Các nhà dự báo nói gì?

 

Tin đồn mất mùa lại càng có sức thuyết phục khi các nhà dự báo sản lượng uy tín như Volcafe, một hãng kinh doanh cà phê chuyên nghiệp có trụ sở tại Thụy Sỹ đã đánh giá lại ước báo sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ này chỉ chừng 27,4 triệu bao (60 ki lô gam/bao) so với 30 triệu bao của vụ trước đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng hạ sản lượng từ 29,83 triệu bao năm trước xuống 29,3 triệu bao cho năm nay. Số liệu lớn nhỏ chưa cần bàn, chính đánh giá thấp mới là vấn đề.

 

Trên thị trường, người bán đòi giá cao, kẻ mua thích giá thấp. Khi dự báo sản lượng bên phía tiêu thụ giảm, các giả thuyết mất mùa bên phía sản xuất càng có thêm cơ sở.

 

Cái gì làm tính toán sản lượng méo mó?

 

Nhưng, trên sàn giao dịch kỳ hạn cà phê, người ta có thể mua khống và bán khống trước miễn là phải đóng tiền ký quỹ giao dịch. Khi áp lực mua khống nhiều, giá kỳ hạn tăng mà không cần biết mất mùa hay được mùa.

 

Thêm vào đó, các nhà đầu cơ lại mua tồn kho tích trữ với số lượng lớn, nay dễ đến trên 120.000 tấn cà phê robusta hàng thực, trị giá thời điểm chừng 255 triệu đô la Mỹ. Tuy con số không phải là lớn nhất nhưng cũng chẳng phải nhỏ vì tổng tồn kho cà phê đang có trong tay các nước tiêu thụ lên đến trên 25 triệu bao, xấp xỉ bằng sản lượng năm nay của nước ta.

 

Giá càng cao, càng nhiều cà phê

 

Giá cà phê cao từ cuối năm 2010 đến nay không chỉ kích thích nông dân khắp nơi mở rộng diện tích, tăng năng suất sản lượng. Hiện nay, Ấn Độ và Indonesia là hai nước xuất khẩu cà phê cạnh tranh sát sườn. Đùng một cái, nghe mà giật mình khi có tin sản lượng Cà phê của Trung Quốc tăng mạnh. Đây là tin không mấy vui đối với các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê thế giới.

 

Hu Lu, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê Vân Nam, tỉnh giáp biên giới Việt Nam, tiết lộ với nhật báo Tin tức Kinh doanh (TQ) rằng sản lượng cà phê tỉnh ông năm nay đạt 120.000 tấn, tăng 40.000-50.000 tấn so với năm ngoái. Nhiều người đã thăm vườn cây cà phê từ Vân Nam cho rằng họ không ngạc nhiên vì khả năng mở rộng diện tích cà phê tại Vân Nam còn nhiều. Mới mấy năm trước, Trung Quốc vẫn là nước nhập khẩu. Từ năm ngoái, họ đã xuất khẩu cà phê hạt và một ít cà phê hòa tan nhờ một số hãng rang xay lớn có nhà máy đầu tư trong lĩnh vực này tại Vân Nam.

 

Nên, thông tin về sản lượng cà phê hay của một loại hàng hóa nào đó chỉ nên nghe bằng nửa lỗ tai, nó không phải là yếu tố tạo giá duy nhất. Phải có nghiên cứu số liệu cung-cầu cho riêng doanh nghiệp mình và cập nhật theo từng thời kỳ. Vì dù sản lượng lớn, nhưng đôi khi vì một tin đồn hay do một chính sách nào đó làm hàng hóa không thông trên thị trường, giá cũng vẫn tăng cao. Hay ngược lại, cả thế giới đều công nhận Brazil, nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới năm nay hạn hán mất mùa, làm thế giới sắp tới thiếu cả chục triệu bao, nhưng giá kỳ hạn arabica đi đời cả 1.000 đô la/tấn tính từ đầu tháng 10-2014 đến nay.

 

Nguyễn Quang Bình
Chủ Nhật,  7/12/2014, 09:56 (GMT+7)
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn