Sau điều chỉnh tỷ giá, sẽ là gì?

08/01/2015  

(TBKTSG) - Với việc điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát ra thông điệp: thị trường kỳ vọng đồng Việt Nam mất giá

thì đây, nó mất giá rồi nhé.

Giá dầu rơi xuống mức thấp mới và có thể sẽ còn giảm nữa; đồng rúp Nga gia tăng tốc độ mất giá; đồng euro rớt xuống mức đáy chín năm so với đô la Mỹ; đồng bảng Anh, đô la Canada, đô la Úc đều “lùi” thêm giá trị so với đồng bạc xanh...

Không biết có phải một phần do những biến động trên thị trường tài chính quốc tế hay còn do áp lực phải thực thi một chính sách tiền tệ linh hoạt hỗ trợ xuất khẩu trong điều kiện giá hàng nông sản đang không thuận lợi, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng công bố hàng ngày từ ngày 7-1-2015 thêm 1%, nâng mức trần tỷ giá lên 21.673 đồng/đô la Mỹ.

Lần điều chỉnh này có hơi bất ngờ. Nói là “hơi” vì thực ra đã có những dấu hiệu cho thấy đồng nội tệ khó có thể lên giá thêm nữa. Khoảng hai tháng gần đây, giá bán đô la Mỹ chuyển khoản của các ngân hàng luôn được niêm yết ở mức sát trần. Hơn nữa, mặc dù các ngoại tệ mạnh khác đang yếu thế so với đô la Mỹ, nhưng sự mất giá của chúng so với tiền đồng lại không tương ứng. Sự “đề phòng” của ngân hàng theo cách đó rõ ràng không thừa. Họ dự đoán trước sau gì tỷ giá cũng sẽ được điều chỉnh và họ đón đầu.

Với việc điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm, NHNN phát ra thông điệp: thị trường kỳ vọng đồng Việt Nam mất giá, thì đây, nó mất giá rồi nhé. Trong ngắn hạn, NHNN chắc chắn sẽ không điều chỉnh tiếp ngay nữa. Nếu đối tượng nào vẫn kỳ vọng đồng nội tệ sẽ mất giá tiếp trong tương lai gần là không chuẩn. Ít nhất sự điều chỉnh sớm đã dẹp sang một bên sự ngóng trông tỷ giá biến động. Thay vào đó doanh nghiệp có thể lên kế hoạch và triển khai kinh doanh ổn định.   

Những yếu tố tác động đến tỷ giá đang biến chuyển khá nhanh. Một nguồn tin thân cận từ tập đoàn Dầu khí cho biết với giá dầu thô đã dưới 50 đô la Mỹ/thùng, Việt Nam có thể sẽ phải cắt giảm sản lượng khai thác 30% vì khai thác sẽ không có lời. Nếu giá dầu đứng và dao động trong biên độ hẹp ở ngưỡng hiện tại trong cả năm, nguồn thu ngoại tệ từ dầu thô sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong khi đó giá các nông sản như cao su đang ở sát giá thành, các công ty cao su có khả năng sẽ không có lợi nhuận khi giá “vàng trắng” đang ở vùng đáy của năm năm. Nên nhớ xuất khẩu cao su đạt kim ngạch 1,8 tỉ đô la Mỹ năm 2014 - đóng góp không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất chung.

Ngoài ra Bộ Công Thương dự báo năm 2015 nhập siêu sẽ trở lại với mức ước 6 tỉ đô la Mỹ (năm 2014 vẫn xuất siêu 2 tỉ đô la Mỹ). Sự cộng hưởng của những yếu tố trên có thể làm cán cân thanh toán không còn thặng dư. Trong ngắn hạn việc tỷ giá điều chỉnh không quá 2% trong năm 2015 có thể khả thi, tuy nhiên, nhìn dài hơi cho cả năm 2016, việc giữ ổn định tỷ giá sẽ không còn dễ dàng như năm 2013-2014. Có thực mới vực được đạo. Quỹ dự trữ ngoại hối tiếp tục làm điểm tựa cho tỷ giá trước mắt, nhưng không thể lâu dài một khi nó không được bổ sung và bồi đắp thêm.

Có thể trong những tuần tới trần lãi suất huy động sẽ được nới nhằm tạo lợi thế cho vốn huy động của ngân hàng. Việc nới, nếu xảy ra, sẽ chính thức đánh dấu đáy của lãi suất và thời kỳ vốn rẻ tiến dần đến điểm kết thúc. So với mặt bằng lãi suất trước đây, lãi suất hiện tại vẫn còn cạnh tranh và vẫn có lợi cho người vay tiền, nhưng nó sẽ không kéo dài lâu nữa.

Các quỹ đầu tư nước ngoài ngay đầu năm mới đã thấy tổng giá trị tài sản ròng “bốc hơi” 1%, trong khi áp lực giảm margin khi thời gian thực hiện Thông tư 36 chỉ còn ba tuần đang đè nặng chứng khoán. Các khoản vay cầm cố cổ phiếu đang được thu hồi. Điều đáng lo ngại đã xảy ra: thanh khoản trở nên cầm chừng với khối lượng giao dịch của Hose chỉ xấp xỉ 100 triệu cổ phiếu/ngày. Thanh khoản thấp sẽ tác động tiêu cực đến ngay cả những nhà đầu tư trung, dài hạn vì điều họ lo lắng nhất chính là không thể bán được cổ phiếu khi cần.

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn