Khoảng 19.000 nông dân sản xuất cà phê bền vững

25/12/2014  

(TBKTSG Online) – Tính đến cuối năm 2014, tại Việt Nam đã có khoảng 19.000 nông dân sản xuất cà phê theo chuẩn quốc tế 4C - bộ quy tắc sản xuất cà phê bền vững chung cho cộng đồng cà phê quốc tế

- trong khuôn khổ dự án NESCAFÉ Plan. Việc sản xuất theo tiêu chuẩn bền vững quốc tế này giúp cà phê Việt Nam có thể bán ra thị trường quốc tế với giá cao hơn trước đây.

Theo thông cáo tổng kết năm 2014 của chương trình NESCAFÉ Plan do Công ty Nestlé Việt Nam đưa ra hôm nay (24-12), so với năm 2013, số lượng nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn 4C đã tăng 51%, góp phần đẩy mạnh hoạt động canh tác cà phê bền vững trên các phương diện kinh tế, xã hội và môi trường. Diện tích cà phê đạt chứng nhận 4C trong khuôn khổ dự án Nescafé Plan đã tăng từ 10.000 hecta năm 2013 lên 20.000 hecta trong năm 2014. Tuy nhiên, diện tích này vẫn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng diện tích cà phê của cả nước là khoảng 500.000 hecta.

Dự án NESCAFÉ Plan đã tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho nông dân về tiêu chuẩn 4C tại Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng. Ngoài ra, dự án cũng hỗ trợ kỹ thuật cho khoảng 31.000 lượt nông dân trong năm 2014.

Bộ quy tắc 4C là công cụ chính của Hiệp hội 4C nhằm khuyến khích sản xuất, chế biến và kinh doanh cà phê hạt bền vững. Bộ quy tắc bao gồm 10 thực hành không được chấp nhận mà tất cả các thành viên 4C phải loại bỏ trước khi tham gia hiệp hội, chẳng hạn như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cấm, hay sử dụng lao động trẻ em...

Khi sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, người nông dân phải đáp ứng 28 nguyên tắc, như giảm thiểu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng các cách bảo tồn đất, giảm xói mòn,…Theo đó, nông dân có thể có được các lợi ích như giảm chi phí, nâng cao năng suất cà phê, bảo vệ môi trường,… Ngoài ra, người nông dân cũng được cập nhật thông tin về giá cả thị trường,...

Hiệp hội 4C (có trụ sở tại Bonn, Đức) là một tổ chức bao gồm những cá nhân, công ty, tổ chức phi chính phủ trên thế giới tham gia và cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phát triển bền vững của ngành cà phê.

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn