Chưa mở hàng đầu xuân do cà phê rớt giá

24/02/2015  

(TBKTSG Online) - Giá cà phê bất ngờ giảm mạnh trong dịp Tết Ất Mùi giữa lúc có người dự đoán thế giới không đủ cà phê để tiêu thụ.

Giá xuống, cà phê chưa bán mở hàng Biểu đồ 1: Chuyển biến xấu trên sàn kỳ hạn arabica dù có các dự báo thiếu hụt (nguồn: tradingchart.com) Tại hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, trong khi Việt Nam mừng Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 thì tại Brazil diễn ra mùa lễ hội đường phố lớn nhất trong năm. Mua bán đều tạm để ngoài các cuộc vui chơi. Đáng lẽ thiếu người bán, giá trên các sàn giao dịch phải tăng. Nhưng thật bất ngờ dịp này năm nay giá kỳ hạn lại giảm mạnh. “Định bán mở hàng chào năm mới Ất Mùi một ít, nhưng giá xuống đậm kiểu này đành tạm gác lại, chờ một ngày đẹp trời khác,” chủ một đại lý thu mua tên Vinh tại Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc cho biết. Sau khi tăng mức chào mua lên 41 triệu đồng/tấn ở đầu tuần, giá cà phê nội địa trên các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng quay đầu xuống 39 triệu đồng/tấn sáng hôm nay 21-2 dưới hiệu ứng giảm của giá kỳ hạn. Những đợt nhảy múa nồng nhiệt của dân chúng Brazil tại lễ hội đường phố vừa dứt. Về lại với công việc đồng áng và kinh doanh cà phê, giá sàn arabica giảm gần 170 đô la/tấn ngay ngày 17-2. Nghe rằng mưa tốt tưới đẫm các vùng cà phê Brazil đã làm “sập” sàn kỳ hạn arabica tại New York. Giá robusta tại sàn giao dịch ở châu Âu cũng bị kéo xuống, trong cùng ngày ấy, giảm mất 46 đô la/tấn. Biểu đồ 2: Diễn biến giá đóng cửa giá kỳ hạn robusta châu Âu (tác giả tổng hợp) Giá kỳ hạn robusta đóng cửa phiên cuối tuần ngày 20-2 nhằm ngày mồng 2 Tết Ất Mùi đạt mức 1.974 đô la/tấn, giảm 62 đô la/tấn so với cuối tuần trước và 92 đô la/tấn so với đỉnh trong tuần vào ngày 16-2 (xin xem biểu đồ 2). Trong khi đó, giá sàn kỳ hạn arabica New York đang trong vùng thấp nhất, ít ra tính từ đầu niên vụ đến nay, quanh mức 150 xu/cân Anh (cts/lb). Giá arabica thực sự trong cơn khó khăn và gây áp lực lớn trên thị trường cà phê thế giới (xin xem biểu đồ 1 giá arabica phía trên). Giá cao giá thấp đều không dễ bán Thật ra, so với giá arabica, giá robusta vẫn còn sức kháng cự khá tốt và nhiều người theo dõi thị trường cho rằng niên vụ này “giá đã và đang nằm ở mức cao. Vì vậy việc mua đầu cơ trông chờ giá tốt nữa sẽ tiềm ẩn rủi ro lớn cũng như mệt mỏi cho việc chờ đợi giá cao hơn phía trước,” Khải Trần, một người tham gia thị trường cà phê phát biểu trên một mạng thông tin thị trường. Giá xuất khẩu robusta loại 2,5% đen bể tính trên chênh lệch đang được chào mua quanh mức trừ 50-60 đô la/tấn so với giá niêm yết sàn kỳ hạn. Tuy nhiên ở mức này, mua bán chỉ những hợp đồng nhỏ rời rạc cho người cần hàng giao ngay. Còn những ai mua để đưa vào kho trữ, họ chờ đợi mức thấp hơn như trừ 80-100 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn. Trên thị trường cà phê, có hai cách bán: một là hợp đồng có giá chốt ngay (outright), hai là hợp đồng có giá chốt sau (price-to-be-fixed). Người sản xuất thường muốn bán có giá chốt ngay. Người mua lại thích mua theo giá chốt sau để tránh rủi ro khi lỡ giá tăng mạnh. Tuy chỉ có hai cách giao dịch giá, người bán dễ sa vào ma trận và khó bán nếu không có người mua cùng hệ. Đúng vậy, khi giá tăng, người mua thường đòi giá trừ lùi giãn ra, rẻ hơn như từ trừ 60 đô la xuống còn trừ 100 đô la/tấn chẳng hạn. Trong trường hợp này, dù giá kỳ hạn có tăng, mức trừ lùi giãn ra, giá thực vẫn không thể cao. Khi giá giảm, giá trừ lùi co lại, người bán không thể mua vì mức chênh lệch cao. Đó chính là trận đồ khó chịu nhất mà riêng lẻ một công ty hay nông dân không thể giải quyết. Đấy cũng là lý do tại sao giá trên thị trường cà phê đều bị “khiến” bởi các thế lực nằm ngoài các nước sản xuất. Lại một dự đoán thiếu hụt cà phê Trong những ngày đầu xuân này, Volcafe dự đoán rằng niên vụ cà phê tới 2015/16 sẽ là năm thiếu hụt cà phê trong hai niên vụ liên tiếp, đây cũng là lần đầu tiên tính từ thập niên 1990 đến nay thế giới chứng kiến cảnh này. Họ cho rằng niên vụ 2015/16 cung sẽ thiếu thêm 1,4 triệu bao (bao=60 kg) sau khi niên vụ 2014/15 hiện nay đã thiếu 8,9 triệu bao. Dự báo là thế, nhưng Volcafe vẫn chưa giải thích tại sao họ tính thế giới thiếu hụt cà phê nhưng số lượng cà phê xuất khẩu vẫn mạnh. Năm 2014, Brazil xuất khẩu cao mức kỷ lục với trên 36 triệu bao, Việt Nam cũng lớn với 25 triệu bao cà phê, Colombia gần 12 triệu bao. Nhiều người trên thị trường hiện nay vẫn rất mập mờ chuyện liệu khối lượng xuất khẩu ấy đi thẳng đến các nhà chế biến tiêu thụ hay để các nhà nhập khẩu cất vào kho nhằm khống chế giá thị trường sau này. Chưa ai chịu nói thẳng ra rằng liệu dự báo thiếu hụt có thật là như thế khi một lượng cà phê nhập khẩu lớn lên đến trên 25 triệu bao đang tồn kho tại các nước tiêu thụ và dăm bảy triệu bao khác dưới dạng “cất tủ” trong tay nhà nhập khẩu đang nằm tại các kho riêng nội ngoại quan tại các nước sản xuất? Nói thiếu hụt nhưng tại sao giá vẫn rớt? Đã đành không thể đòi hỏi dự báo phải chắc chắn nhưng những dữ kiện làm nên dự báo không lẽ giả tạo? Các con số của kết quả như khối lượng xuất khẩu, tồn kho chưa sử dụng… đều tăng mạnh, giá tăng không bền vững, hoàn toàn đi nghịch với hiện tượng thiếu hụt như dự báo. Ngay trong những ngày Tết Ất Mùi, một chuyên gia trong ngành có mặt tại Buôn Ma Thuột, thủ phủ cà phê của Việt Nam cho rằng dự báo sản lượng hiện nay của các hãng kinh doanh và đầu tư tài chính chỉ để nuôi hy vọng cho nông dân nghèo thiếu thông tin, nhưng lại tạo cơ hội tốt cho đầu cơ hàng hóa trên thế giới. Ai phân tích kỹ thông tin sẽ tránh được rủi ro, ai tin mù quáng sẽ làm mồi cho cá mập tài chính. Thật thế, hết hy vọng này đến hy vọng khác nên một nông dân lên mạng nói: “Giá robusta có lên cũng giúp giới đầu cơ hưởng lợi. Do thị trường nội địa lúc này đâu có mua bán gì nên người trồng cà phê Việt Nam trong khi nghỉ Tết chỉ được an ủi chút niềm vui nếu giá lên. Hy vọng sau Tết giá tăng khi quay lại với thị trường…”, một người khác bày tỏ niềm tin giá tăng trên mạng. Một lối kinh doanh dựa trên mong mỏi, đợi chờ, hy vọng, tâm lý thị trường rất dễ bị giới đầu cơ dẫn dắt. Nhưng đầu xuân, mọi người vẫn cứ hy vọng giá tăng như một thói quen.

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn