Cà phê Tây Nguyên tiếp tục… đắng

10/01/2015  

Giá tuột dốc
Niên vụ cà phê 2014-2015 thu hoạch trong thời tiết khá thuận lợi, tuy nhiên điều không vui là sản lượng thấp,


bình quân mất mùa tới hơn 25%, có nhà vườn mất tới 50% sản lượng. Nhà nông và nhà khoa học đều có chung nhận định về nguyên nhân chính là do thời điểm cây cà phê nở hoa phải chịu một thời tiết khắc nghiệt. Một lí do khác, diện tích cà phê ngày càng lão hóa, gọi là già cỗi về giống. Anh Nguyễn Văn Hanh ở xã Phi Tô, huyện Lâm Hà buồn bã nói: “Năm nay mất mùa so với năm ngoái, giá cả lại thấp thế này thì càng thấy công cán bỏ ra oải quá!”. 
 
Dự kiến niên vụ cà phê 2014-2015 tiếp tục mất mùa (Ảnh chụp tại xã Đưng K’Nớh, Lạc Dương)
Dự kiến niên vụ cà phê 2014-2015 tiếp tục mất mùa (Ảnh chụp tại xã Đưng K’Nớh, Lạc Dương)
 
Giá cà phê trên thế giới đang theo đà tuột dốc. Tình hình giá cà phê tại thị trường châu Âu và Mỹ đều đồng loạt giảm. Ở thị trường London, sàn ICE Futures Europe, giá cà phê robusta các kỳ hạn giảm khá mạnh, từ 25-29 USD/tấn. Cụ thể hơn, kỳ hạn giao tháng 1/2015 giá giảm 29 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 28 USD/tấn; kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 25 USD/tấn; và kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá giảm 25 USD/tấn, xuống 1.919 USD/tấn. Ở thị trường New York, trên sàn ICE New York, giá cà phê Arabica các kỳ hạn giảm từ 3,35-3,45 cent/pound. Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 3/2015 giá giảm 3,45 cent/pound; kỳ hạn giao tháng 5/2015 giá giảm 3,45 cent/pound; kỳ hạn giao tháng 7/2015 giá giảm 3,4 cent/pound; và kỳ hạn giao tháng 9/2015 giá giảm 3,35 cent/pound, xuống 172,65 cent/pound.
 
Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, xuất khẩu cà phê, chủ yếu Robusta, tháng 12/2014 ước tăng 42,8% so với tháng 11 lên 120.000 tấn, tương đương 2 triệu bao. Nếu lộ trình này đúng, cả năm 2014 toàn quốc có lượng cà phê xuất khẩu ước đạt khoảng 1,69 triệu tấn, tương đương 28,17 triệu bao 60kg, tăng 29,7% so với năm 2013. 
 
Đối mặt với khó khăn 
 
Trước hết, đó là thiếu nước. Vào mùa khô vừa qua, lượng nước ở Tây Nguyên chỉ đủ tưới cho 60% diện tích trồng cà phê. Rất nhiều bà con trồng cà phê ở xã Đưng K’Nớh đã nêu vấn đề này với đại biểu Quốc hội dịp tiếp xúc cử tri vào đầu tháng 12 vừa rồi. Tình trạng thiếu nước cho cà phê diễn ra ở nhiều địa bàn khác trong tỉnh Lâm Đồng. Là tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 2 ở Tây Nguyên, trong mùa khô này có hàng ngàn ha cà phê đang chịu tình trạng thiếu nước. Trong số đó, ở huyện Di Linh có 6.000ha thiếu nước tưới đợt 1; huyện Bảo Lâm trên 530ha cà phê và 480ha chè bị ảnh hưởng nghiêm trọng...
 
Ở tỉnh Đăk Lăk, tính đến cuối tháng 4, toàn tỉnh có 10.105ha cây trồng bị hạn, trong đó có 4.660ha cà phê. Địa bàn tập trung diện tích bị khô hạn nhiều của tỉnh này là các huyện Krông Buk, Krông Ana, Lak, M’Drak... Đặc biệt, huyện Krông Buk có 4.000ha bị hạn do thiếu nước ngầm để bơm tưới. Tại tỉnh Đăk Nông, cũng có hàng ngàn ha cà phê thiếu nước, nặng nhất là các huyện Ðak Mil, Chư Jút, Krông Nô...
 
Nói đến năng suất và sản lượng của cà phê là nói đến “nhất nước” để thúc và giữ khả năng đậu quả. Vì vậy, tình trạng thiếu nước đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ lệ đậu quả cà phê. Một yếu tố khác, tác động xấu không nhỏ đến hiệu quả của cà phê là sương muối. Vùng Đà Lạt là nơi tập trung cà phê Arabica chịu cảnh sương muối kéo dài, nông dân dự đoán bị giảm 30% sản lượng so với vụ trước.
 
Như đã nêu trên, tình hình cà phê già cỗi cũng là một tác nhân lớn quyết định năng suất và sản lượng của cà phê trong vụ tới. Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm Tây Nguyên (WASI), hiện diện tích cà phê già cỗi với tuổi đời trên 20 năm tại 5 tỉnh Tây Nguyên có trên 100 ngàn ha, chiếm khoảng 30% tổng diện tích trồng cà phê hiện nay của cả nước. 
 
Với những yếu tố: khô hạn, sương muối và già cỗi, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định, niên vụ cà phê 2014-2015 sẽ mất mùa và sản lượng giảm từ 20 đến  25%.
 
MINH ĐẠO 
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn