Thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới tháng 4/2013 (phần 2)

01/05/2013  

DẦU THÔ: Thị trường dầu mỏ thế giới đổ dốc Xu hướng xuyên suốt thị trường dầu mỏ thế giới tháng qua là sự đi xuống của giá "vàng đen." Sau khi tăng trọn trong tuần cuối tháng 3, tuần đầu tháng 4 giá dầu đã có năm ngày giảm liên tiếp và từng bước chinh phục lại ngưỡng tâm lý 90 USD/thùng. Sự lo ngại về triển vọng nền kinh tế toàn cầu lại đang đè nặng lên các nhà đầu tư, khi mà các số liệu kinh tế từ Mỹ và châu Âu đều cho kết quả báo cáo không như mong đợi.

Thị trường dầu thô thế giới tiếp tục có diễn biến trái chiều trong tuần tiếp theo. Sau khi tăng những ngày đầu tuần, đến giữa tuần thì giá đã giảm trở lại bất chấp nguy cơ chiến tranh giữa hai miền Triều Tiên sẽ nổ ra. Giá giảm mạnh xuống vùng 91 USD/thùng từ đỉnh cao 97 USD/thùng rồi tiếp tục hồi phục về mức 93,5 USD/ounce.

Tuần thứ 3 của tháng 4, giá dầu đã giảm ngay từ phiên đầu tuần (15/4) sau những thông tin kinh tế kém lạc quan từ Mỹ và Trung Quốc - hai nhà tiêu thụ dầu thô và năng lượng lớn nhất trên thế giới. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc (công bố ngày đầu tuần), tăng trưởng kinh tế của nước này trong quý đầu tiên của năm nay chỉ đạt 7,7% - dưới mức dự kiến là 8% và thấp hơn mức 7,9% của quý 4/2012 trước đó. Con số này đã thực sự gây sốc cho thị trường và tác động tiêu cực đến giá dầu.

Giá dầu tiếp tục đi xuống trong các phiên giao dịch tiếp theo, đặc biệt là trong phiên 16/4, khi thị trường chưa kịp "tiêu thụ" hết tin buồn từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, lại bị "bồi" tiếp bởi các số liệu kinh tế yếu kém mới của Mỹ cũng như bức tranh kinh tế ảm đạm của châu Âu. Bên cạnh đó, sự "tụt dốc không phanh" của giá vàng cũng là nhân tố ép giá dầu giảm mạnh trong các phiên này. Các nhà giao dịch đã trở nên hết sức hoang mang và thận trọng trong mọi quyết định đầu tư, bởi trước đó, một loạt các tổ chức năng lượng lớn như Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Cơ quan thông tin năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ, đều hạ dự báo về triển vọng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu trong năm nay.

Trong các phiên này, thị trường dầu mỏ nhìn chung diễn biến rất ảm đạm. Nhân tố hỗ trợ duy nhất cho giá dầu trong phiên 17/4 vừa qua là việc đồng USD suy giảm, khiến mặt hàng dầu mỏ - vốn được định giá bằng đồng ngoại tệ này, trở nên hấp dẫn hơn.

Mối lo về nhu cầu tiếp tục ám ảnh thị trường năng lượng cho tới hai phiên cuối tuần, sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) điều chỉnh hạ dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2013 và 2014.

Trong phiên 18/4 vừa qua, giá dầu Brent giao tháng Sáu đã có lúc trượt xuống mức thấp nhất 9 tháng qua, chỉ còn 96,75 USD/thùng - mức thấp nhất kể từ ngày 2/7/2012. Tính tới phiên này, dầu Brent đã mất giá tới 8% trong 6 phiên liên tiếp, ghi dấu đợt rớt giá kéo dài nhất kể từ tháng 10/2012.

Tuần cuối tháng 4, giá dầu thô thế giới đã đảo chiều tăng trở lại bất kể nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về triển vọng tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Tuy nhiên, dù tăng liên tiếp, giá dầu thô hiện vẫn chưa qua mốc 90 USD/thùng.

Chốt phiên giao dịch ngày 22/4, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 trên sàn hàng hóa New York đã tăng 75 cent, tương ứng với mức 0,9%, lên 88,76 USD/thùng. Theo giới phân tích, việc giá dầu xuống thấp hồi cuối tuần trước đã tạo ra động lực mua vào của một số nhà đầu tư, do đó sự hồi phục này có khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn. Hiện thị trường đang chịu áp lực lớn từ các báo cáo dự đoán về lượng tiêu thụ toàn cầu sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2013.

Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Venezuela nói rằng, trước tình hình giá dầu đang xuống thấp như hiện nay, khả năng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ họp khẩn cấp và cắt giảm hạn ngạch. Theo giới phân tích, nếu như Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ tiến hành họp khẩn thì khả năng cắt giảm hạn ngạch có thể xảy ra, đây sẽ là động lực lớn kéo giá dầu thô thế giới đi lên. Nếu điều này không xảy ra, thì thị trường dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực giảm giá sâu hơn nữa do thiếu đi yếu tố hỗ trợ.

Vào đầu tháng này, OPEC đã đưa ra dự báo giữ nguyên nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu trong các năm 2013 và 2014, trong đó Trung Quốc đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng về nhu cầu dầu trong khi nhu cầu tại các nước phát triển lại sụt giảm. Iran - nhà sản xuất dầu lớn thứ tư OPEC - ngày 17/4 tuyên bố giá dầu ở mức 100-120 USD/thùng là "hợp lý."

THAN: Giá than Trung Quốc xuống thấp nhất 3 năm

Sau 2 tháng giảm liên tục, lượng nhập khẩu than Trung Quốc từ tháng 3 đã tăng trở lại do giá than nước ngoài rẻ hơn.

Trung Quốc là nước tiêu thụ và nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Nhập khẩu than tháng 3 (không bao gồm than nâu) đạt 20,52 triệu tấn, tăng 13,3% so với 18,12 triệu tấn tháng 2. Tuy nhiên, lượng nhập đã giảm 1/3 so với mức kỷ lục 29 triệu tấn tháng 12/2012. Riêng nhập khẩu than cốc dùng cho luyện thép tháng 3 tăng 11,9% so với cùng kỳ lên 4,64 triệu tấn, đưa tổng nhập khẩu trong quý đầu tiên lên 17,2 triệu tấn. Tính chung cả quý I, nhập khẩu than tăng 27,3% so với năm trước, lên 63,8 triệu tấn. Tại cảng Tần Hoàng Đảo, giá than loại 5.500 kilocalo/kg trung tuần tháng 4 giảm xuống còn 605- 615 NDT/tấn (tương đương 97,88 USD/tấn), thấp nhất kể từ tháng 10/2009. Than tại cảng Newcastle của Australia, giá chuẩn cho khu vực châu Á là 86,64 USD/tấn hôm 19/4.

Ấn Độ là nước sản xuất than lớn thứ 3 thế giới nhưng vẫn phải nhập khẩu do sản xuất không đáp ứng đủ tiêu dùng trong nước. Năm 2012 – 2013, Ấn Độ sản xuất 557,7 triệu tấn than, tăng 3,3% so với một năm trước. Trong đó, sản lượng than đốt nhiệt tăng 3,3% so với cùng kỳ, lên 508,32 triệu tấn. Sản lượng than cốc giảm 4,5% xuống 49,35 triệu tấn tấn.

PHÂN BÓN: Giá chững lại và đang có dấu hiệu giảm

Mặc dù giá phân urê từ nhiều nguồn bị cắt giảm để chào giá cạnh tranh xuất cho Ấn Độ nhưng nhìn chung thị trường đã bình ổn trở lại. Giá phân urê tại Yuzhnyy (Ucraina) được chào cao hơn đôi chút. Iran là thị trường nhập khẩu urê chính của Ấn Độ, tuy nhiên đã xuất hiện giá chào cạnh tranh từ Oman và Trung Quốc. Sau khi đã mua gần 500.000 tấn phân urea, Ấn Độ bắt đầu tạm ngưng chiến dịch mua hàng của mình và điều này có thể làm giá urê bớt đi sức mạnh hồi phục.

Giá phân urê hạt trong giao dịch tại vùng Baltic ở mức 345 USD/tấn FOB. Tại Trung Quốc, nguồn hàng bắt đầu dồi dào và được vận chuyển ra các cảng trở lại. Trong khi đó, giá phân urê nội địa Trung Quốc có dấu hiệu giảm giá. Với giá than đá đang rẻ đi, chi phí sản xuất giảm có thể giúp hàng urê Trung Quốc cạnh tranh với hàng từ Ucraina.

Giá phân DAP không còn vững như tháng trước vì không có dấu hiệu về nhu cầu lớn tại Mỹ hay Ấn Độ trong tháng này. Trong khi đó, nhu cầu từ châu Âu và Úc đối với phân DAP và phân MAP cũng không có nhiều. Các nhà nhập khẩu tỏ ra ngần ngại mở các lô hàng mới và thay vào đó đứng ngoài quan sát xem giá phân DAP có rớt hay không. Hiện nay, các nhà sản xuất phân DAP tại Lithuania, Nga, Morocco, Tunisia, Nam Phi, Jordan, Trung Quốc, Úc và Mexico đều có nhu cầu bán hàng giao cho tháng 5.

Tại Trung Quốc, thời tiết lạnh ở vùng phía đông bắc tiếp tục làm nhà nông hoãn đợt bón phân DAP, nhiều khả năng cho đến giữa tháng 5. Giá DAP vì thế rớt mạnh 200 NDT, còn 3.050-3.100 NDT/tấn, hàng đóng bao.

(theo giacavattu)
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn