Tuần 17-23/6: Giá hàng hóa lao dốc mạnh nhất từ cuối 2011

23/06/2013  

Fed phát tín hiệu sớm cắt giảm chương trình mua trái phiếu và chỉ số thu mua sản xuất Trung Quốc thấp nhất 9 tháng tạo tâm lý thị trường bi quan. Kết thúc tuần, chỉ số giá hàng hóa S&P GSCI, theo dõi giá 24 loại hàng hóa nguyên giảm 3,5% xuống 610,04 điểm, giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2011.

Tuần này, sau 2 ngày họp chính sách, chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernake vừa có bài phát biểu cho biết Fed có thể giảm quy mô và ngừng hẳn gói kích thích kinh tế nếu nền kinh tế "hồi phục như dự đoán". Điều này có nghĩa là áp lực lạm phát không còn, giá hàng hóa khó tăng, giảm sức hấp dẫn đối với giới đầu tư.

Trong khi đó, nhà tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng kinh tế chậm chạp, hoạt động sản xuất chững lại, cung tiền mặt thiếu hụt. Chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) nước này giảm xuống thấp nhất 9 tháng, số liệu do ngân hàng HSBC cung cấp. Triển vọng về nhu cầu sử dụng hàng hóa nguyên liệu không khả quan, kéo giá giảm.

Dầu thô

Giá dầu thô giảm xuống thấp nhất 2 tuần, có phiên giá lao dốc mạnh nhất 7 tháng. Giá dầu WTI giao tháng 8 giảm 4,38 USD/thùng, tương đương 4,4% chốt tuần tại 93,69 USD/thùng. Giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tháng 8 tại sàn London giảm gần 5% xuống 100,91 USD/thùng.

Giá dầu thô tuần này giảm mạnh chủ yếu do đồng USD tăng sau phát biểu của chủ tịch Fed. Sản xuất Trung Quốc suy giảm làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới triển vọng cầu tiêu thụ. Hơn nữa, thị trường đang chúng kiến đà bán tháo mạnh mẽ của các nhà đầu cơ.

Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, cung dầu tuần qua tăng 300.000 thùng, lên 394,1 triệu thùng.

Vàng

Giá vàng tuần này bất ngờ rơi tự do, so với cuối tuần trước, giá giảm 6,9%, tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2011. Giá vàng giao kỳ hạn tháng 8 trên sàn Comex chốt tuần 1.292 USD/oz. Phiên ngày 20/6, giá lao dốc hơn 70 USD/oz, tương đương

Giá vàng lao dốc mạnh sau hàng loạt tin kinh tế vĩ mô xấu cộng với nhu cầu mua vàng vật chất chững lại sau khi Ấn Độ nâng thuế nhập khẩu vàng từ 6% lên 8%.

Sau phiên lao dốc ngày 19/6, tập đoàn CME, chủ sở hữu sàn Comex quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ đối với giao dịch vàng lên 25%. Việc này khiến giao dịch vàng kỳ hạn đắt đỏ hơn, giảm sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Nhà đầu tư ồ ạt bán tháo vàng, lượng vàng nắm giữ của quỹ tín thác lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust xuống thấp nhất 4 năm còn 995,35 tấn.

Kể từ đầu năm, lượng nắm giữ vàng của các quỹ ETF giảm hơn 515 tấn tương đương khoảng 23 tỷ USD. Ngân hàng Pháp Societe Generale dự báo các quỹ ETF bán ra trong năm nay khoảng 800 tấn vàng. Các quỹ này có thể tiếp tục bán 500 tấn trong năm 2014.

Đồng

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME chốt tuần tại 6.805,5 USD/tấn, giảm 3,9% so với cuối tuần trước. Phiên ngày 21/6, giá có lúc xuống thấp nhât 20 tháng 6.750 USD/tấn. Giá giảm mạnh chủ yếu do sản xuất công nghiệp Trung Quốc chậm lại. Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ kim loại lớn nhất thế giới.

Dự trữ đồng do sàn LME quản lý tăng liên tục trong những tuần gần đây lên cao nhất 10 năm, góp phần là nguyên nhân dẫn tới giá đồng giảm 14% từ đầu năm tới nay.

Các kim loại cơ bản khác cũng đồn loạt lao dốc, giá nhôm xuống thấp nhất hơn 3,5 năm qua, trong khi giá niken thấp kỷ lục 4 năm.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Trái với giá các loại hàng hóa khác, giá ngũ cốc có dấu hiệu phục hồi. Giá ngô giao tháng 12 trên sàn Chicago tăng hơn 3% lên 5,66 USD/giạ. Trong tuần có phiên giá ngô lên cao nhất 3 tháng do lo ngại thời tiết không thuận lợi làm thu hẹp nguồn cung trong khi nhu cầu tiêu thụ vẫn ở mức cao.
Nguồn Dân Việt
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn