Giá cà phê: "thập diện mai phục"!

19/06/2013  

(TBKTSG Online) - Sau một tuần, giá sàn kỳ hạn robusta mất thêm 109 đô la Mỹ/tấn. Tâm lý người còn giữ hàng lung lay. Có người phải bán “chạy lỗ” với giá thấp. Liệu ngành cà phê phải bắt đầu sống chung với “lũ giá thấp”?  


Giá rớt cả tháng

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa kỳ hạn robusta sau 4 tuần giao dịch (tác giả tổng hợp)


Đó là lời than của một đại lý cà phê tại Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, khi anh đối mặt với thua lỗ do trượt không bán được 100 tấn với giá 43.500 đô la/kg cách đây 4 tuần.

Thực vậy, liên tiếp 4 tuần nay, giá kỳ hạn robusta London đều có giá cuối tuần trước cao hơn so tuần theo sau đó. Nếu như giá đóng cửa giao dịch ngày 18-5 chốt mức 2.037 đô la/tấn, thì đến sáng hôm nay thứ Bảy 15-6, đã mất gần 300 đô la/tấn. May mà hôm qua, chốt phiên giao dịch cuối tuần thứ Sáu 14-6, giá tháng giao dịch chính 7-2013 giật lên lại để dương 34 đô la/tấn sau khi âm gần 40 đô la/tấn, nằm ở mức cuối cùng 1.739 đô la/tấn, mất 109 đô la so với cuối tuần trước.

Giá nội địa lao theo giá kỳ hạn. Trong tuần, có lúc giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn quanh mức 37.000-37.500 đồng/kg, giảm 6.000 đồng/kg cách đây một tháng. Nhưng may, giá kỳ hạn khuya hôm qua thứ Sáu đảo chiều tăng, đã đưa giá nội địa qua khỏi mức 38.000 đồng/kg.

Đe dọa từ bốn phía

Trước đây, khi giá nội địa còn trên 40.000 đồng/kg, nhiều người vẫn còn tin chắc rằng, thông tin hạn hán trầm trọng có thể làm sản lượng robusta nước ta giảm mạnh, yếu tố này sẽ giúp giá tăng. Tuy nhiên, theo giải thích của một nhà phân tích tại TPHCM, thị trường nay đã khác, ảnh hưởng của đầu cơ tài chính trên các sàn giao dịch kỳ hạn đã làm “méo mó” cung-cầu. Giá robusta kỳ hạn rớt dài trước tiên là do đầu cơ đã từ vị thế đặt cược mua khống nay hoàn toàn chuyển sang vị thế ngược lại, bán khống. Mua giúp giá tăng, bán làm giá giảm.

Nếu như vào khoảng tháng 3-2013, lượng hợp đồng mua khống (mua ròng) lên mức trên 360.000 tấn, cao gần đỉnh kỷ lục, thì đến thứ Ba tuần trước (4-6-2013) họ đã bán tháo hết lượng ấy và bán mới thêm gần 70.100 tấn. Đến nay, ước con số bán khống (bán ròng) có thể đạt đến 140.000 tấn. Như vậy, chỉ riệng đầu cơ tài chính, lượng bán ra từ bấy đến nay đã trên 500.000 tấn. Cần lưu ý rằng lượng này hoàn toàn là “hàng giấy”. Đó là chưa kể các lượng hàng thực bán ra từ các nước sản xuất và nhiều thành phần khác trên sàn. “Với sức ép bán ra như thế, giá không xuống sao được”, nhà phân tích nói. Bao lâu lượng bán ròng trên được đắp càng cao, bấy lâu giá cà phê vẫn phải sống chung với “lũ” giá thấp.

Một tin đáng chú ý do công ty dịch vụ cung cấp thông tin nông sản Agrimoney.com cho biết rằng các quỹ đầu cơ tài chính đang thực hiện thoái vốn từ các sàn kỳ hạn nông sản tại Mỹ. Nguyên năm 2012, họ đã rút 20% vốn khỏi khu vực này. Phải chăng vì thế mà giá arabica trên sàn Ice New York rớt thê thảm? Nếu như trước đây nhờ họ “bơm” vốn vào các sàn nông sản, giúp giá tăng vùn vụt, thì nay, nhờ giá cao, mùa màng từ lúa bắp đậu mè, kể cả cà phê, nông dân khắp nơi đều tăng diện tích và sản lượng. Theo Tổ chức Lương Nông Quốc tế (FAO), giá ngũ cốc trong thời gian tới dịu hơn do tồn kho tăng lên mức cao nhất tính từ 11 năm nay. Có lẽ đó là cái cớ để đầu cơ tài chính rút vốn khỏi khu vực nông sản? Liệu đây có phải là dấu hiệu báo trước giá nông sản nói chung, cà phê nói riêng?

Đặc biệt trong tuần qua, thị trường chứng kiến một đợt “lũ quét” đối với các hợp đồng bán theo giá chênh lệch nhưng trước đó chưa chốt giá (hay ta còn gọi là bán trừ lùi hay cộng tớidifferential). Các hợp đồng mua bán theo giá chênh lệch thường là hợp đồng giao sau (forward contract) dùng giá niêm yết kỳ hạn (futures) như cơ sở để tham chiếu. Tin đồn trên thị trường cho rằng nhiều hợp đồng bán theo giá chênh lệch (trước đây hay gọi là trừ lùi), do chưa có giá bán cuối cùng nên được tạm ứng 70% giá trị lượng hàng giao dựa trên giá đóng cửa kỳ hạn ngày giao hàng. Khi giá cao 2.000-2.200 đô la/tấn, bên bán không quyết chốt vì mong giá còn cao thêm. Đến nay, thị trường đi nghịch lại ý muốn của bên bán, giá xuống đụng mức giá tiền đã được ứng. Khi chạm phải các mức ấy, theo thỏa thuận, giá sẽ tự động chốt và hai bên mua bán thanh lý hợp đồng, không còn ai nợ ai. Cách làm này, thị trường gọi là chặn lỗ (stoploss). Khi giá xuống, chặn lỗ xảy ra, bên giao hàng không muốn bán cũng phải bán. Chặn lỗ thường làm giá trên sàn sụp nhanh và liên hồi.

Ngoài ra, sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2013-14 đang rộ thực sự lớn một cách đáng ngại. Hãng phân tích Safras&Mercado (Brazil) đánh giá lượng cà phê nước họ phải đến 52,9 triệu bao, trong đó ước robusta chừng 15 triệu bao; chứ không thấp 48,6 triệu bao như Conab, cơ quan thống kê sản lượng thuộc Bộ Nông nghiệp Brazil công bố trước đây. Đáng ngại hơn là đồng real Brazil (BRL) đang mất giá mạnh so với đồng đô la Mỹ. Tuần qua, Ngân hàng trung ương Brazil phải can thiệp hai lần, bán đồng đô la Mỹ ra nhằm ngăn chặn đồng BRL bị phá giá. Đồng BRL phá giá, có lợi cho xuất khẩu, các nhà xuất khẩu mạnh tay bán ra ào ạt.

Cà phê về các nước nhập khẩu nhiều

Tồn kho cà phê tại Nhật tăng 8,8% lên mức 149.020 tấn, tính đến hết cuối tháng 4-2013. Như vậy, lượng cà phê còn tồn ở các kho nước Nhật tăng 18% so với cùng kỳ, bấy giờ là 126.519 tấn. Cà phê nhập khẩu từ Brazil trong tháng tăng 12%, nhưng tính 12 tháng tăng đến 68% lên 64.508 tấn.

Biểu đồ 2: Tồn kho certs thuần robusta London (tác giả tổng hợp)


Bộ Thương mại Mỹ cho biết nước này nhập khẩu 2,059 triệu bao cà phê trong tháng 4-2013, tăng 15% từ 1,79 triệu bao cách đấy 1 năm. Nhập khẩu lũy kế 12 tháng tăng 3,2% so với cùng kỳ, đạt 23,069 triệu bao so với 22,356 triệu bao.

Tuy nhiên, với sàn kỳ hạn Liffe NYSE London, tính đến 10-6-2013, tồn kho thuần robusta thuộc sàn (certs) còn 121.140 tấn, tức 2,019 triệu bao, giảm 6.130 tấn so với cách đấy 1 tháng (xin xem biểu đồ 2). 52 tuần trước đó, lượng tồn kho certs ở mức 168.840 tấn, cao hơn mức của kỳ báo cáo này là 28%.

Nguyễn Quang Bình
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn