Trữ cà phê hay kinh doanh sự may mắn?

09/02/2015  

(TBKTSG Online) - Ít việc, công nhân nhiều nhà máy chế biến cà phê xuất khẩu về quê ăn Tết sớm. Mua bán trầm lắng, thị trường nằm trong tay người mua trữ.

Khách ngoài nước, người trong nước, mỗi người trữ một kiểu. Tiền của đầu cơ đang làm lờ mờ thị trường cà phê.

Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn robusta Ice châu Âu tháng 2-2015 (tác giả tổng hợp)

Về quê vui Tết sớm

Còn hai tuần nữa mới đến năm mới Ất Mùi mà không khí chuẩn bị Tết tại các vùng cà phê đã bắt đầu. Điều này chứng tỏ rằng mua bán và giao hàng trong thời gian trước Tết chậm, dưới công suất bình thường. Nhiều nhà máy chế biến của các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn Tây Nguyên đã cho công nhân về quê nghỉ Tết.

“Mấy năm trước, công nhân chỉ được nghỉ năm bảy ngày trước Tết nhưng năm nay, mua bán chậm nên để họ về ăn Tết sớm với gia đình,” một chủ doanh nghiệp cung cứng tên Tín ở Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết.

Như vậy, mua bán giao ngay từ nay đến qua Tết nếu có, sẽ không cam kết giao hàng ngay mà chỉ giao xa, từ đầu tháng 3-2015 trở đi. Giao dịch càng chậm hơn khi giá cả tăng giảm thất thường, rủi ro lớn, nên người mua là các công ty xuất khẩu hay khách ngoại đợi khi thấy và sờ được hàng mới ký hợp đồng.

Giá cà phê nội địa trong tuần dao động từ 38,5 triệu đồng/tấn đến 39,5 triệu đồng/tấn. Giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu tuy tăng giảm thất thường, đóng cửa phiên cuối tuần chốt mức 1.961 đô la Mỹ/tấn, cao hơn tuần trước 7 đô la/tấn. Sáng nay 7-2 giá cà phê nội địa đứng ở mức 39,5 triệu đồng/tấn, cao hơn cuối tuần trước 500.000 đồng/tấn.

Giá chưa bùng nổ, vì sao?

Nhìn lại từ đầu niên vụ đến nay, giá xuôi dần theo chiều đi xuống sau khi giá kỳ hạn phóng lên 2.189 đô la Mỹ/tấn giữa tháng 10-2014. Chớp cơ hội, cà phê nội địa có giá cao nhất 42 triệu đồng/tấn. Lường trước cung ứng bấp bênh và rủi ro thị trường, nhiều nhà xuất khẩu không dám bán mạnh lúc ấy để nay giao hàng. Vì thế, giá nội địa năm nay có phần nhạy cảm hơn, theo sát giá kỳ hạn. Giả sử bấy giờ các nhà xuất khẩu bán một lượng hàng cực lớn vài ba trăm ngàn tấn, giá nội địa sẽ có phần ổn định hơn ở mức cao. Trường hợp ấy đã không xảy ra.

Vì vậy, cho đến nay, nhiều người vẫn ôm hàng chờ giá bùng nổ do có tin mất mùa và giảm xuất khẩu tại các nước sản xuất hàng đầu thế giới.

Thường khi mong giá tăng, nhiều người hay dựa vào cán cân cung-cầu mà quên khối tiền khổng lồ của các quỹ tài chính kinh doanh trên các sàn kỳ hạn hay đúng từ gọi chuyên môn là thị trường tài chính phái sinh (derivatives).

Thị trường phái sinh là một cỗ máy hái ra tiền của các ngân hàng lớn ở các nước tiên tiến. Như tại Mỹ, thống kê của chính quyền liên bang ước rằng tổng lượng tiền huy động của 25 ngân hàng kinh doanh trên thị trường phái sinh là 236 ngàn tỉ đô la Mỹ nhưng tổng tài sản của cả 25 ngân hàng ấy chỉ khoảng 9,4 ngàn tỉ đô la Mỹ, rủi ro quá tải là 25:1.

Tại các nước châu Âu, lượng tiền các ngân hàng kinh doanh các sản phẩm phái sinh cũng phình to không kém.
Nhiều ngân hàng thay vì dùng các sàn kỳ hạn như là công cụ chống rủi ro, thì nay bản thân họ tham gia đầu cơ, “lấy thịt đè người” bằng sức mạnh đồng tiền. Chính vì thế, từ mấy năm gần đây, chính quyền các nước châu Âu và nhất là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đang muốn hãm “van” trên thị trường này lại. Fed yêu cầu nhiều ngân hàng phải thoái vốn khỏi các sàn giao dịch phái sinh để tránh rủi ro “bong bóng bể”, nhà phân tích thị trường Judy Crawford viết như thế trên trang thông tin bartchart.com.

Thoái vốn hay “rút cược” tức bán ra sẽ làm các thị trường kỳ hạn hàng hóa yếu. Đặt cược (mua) hay rút cược (bán) với lượng tiền khủng sẽ ảnh hưởng trực tiếp và trước tiên lên giá hàng hóa.

Tích trữ hàng thực chờ thời

Thống kê tồn kho cà phê hiện có cho thấy rằng khối lượng nằm tại các các nước tiêu thụ và trong tay các quỹ đầu cơ còn khá lớn.

Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation) nói rằng tính đến hết tháng 12-2014 tồn kho cà phê còn 11.490.771 bao (bao=60 kg) tương đương với 689.446 tấn. Con số này chưa gộp cà phê đang trung chuyển hay nằm tại các cơ sở rang xay và sản xuất cà phê hòa tan, ước chừng 150.000 tấn nữa. Tổng số gần 840.000 tấn này đảm bảo cho toàn châu Âu tiêu thụ trong vòng 3 tháng rưỡi nếu như không nhập thêm.

Hiệp hội Cà phê Hạt Hoa Kỳ (Green Coffee Association) cho biết đến cuối năm 2014 tồn kho cà phê tại Bắc Mỹ còn 5.524.964 bao hay 331.498 tấn, tăng 8,6% so với tháng 12-2013. Cộng với chừng 120.000 tấn đang nằm rải rác tại các cơ sở sản xuất và trên đường, ước Bắc Mỹ vẫn còn 450.000 tấn.

Tại Nhật, đến hết tháng 11-2014 tồn kho còn gần 172.000 tấn.

Như vậy, tổng tồn kho cà phê tại các khối nước tiêu chính theo thống kê mới nhất đạt 1.462.000 tấn, bằng sản lượng hàng năm của cả nước ta.

Dù tồn kho do các quỹ đầu cơ và các hãng kinh doanh trữ trên sàn thường được gọi là tồn kho cà phê đạt chuẩn (certified coffee) được tính chung vào lượng tồn kho chung của khối nước tiêu thụ, thiết nghĩ cũng cần được tách bạch để thấy rằng lượng cà phê này thường chỉ được sử dụng để gây sức ép và “làm giá” trên sàn. Tính đến 4-2, tồn kho arabica của sàn Ice New York còn gần 136.000 tấn tương đương với giá thời điểm là 502.792.000 đô la Mỹ. Tồn kho robusta thuộc sàn Ice châu Âu đến hết 4-2 đạt 148.240 tấn với giá trị hiện nay là 291.291.600 đô la Mỹ. Như vậy các ông lớn hiện đang huy động gần 795.000.000 đô la Mỹ chờ “đục nước béo cò”.

Không quậy hàng giấy trên sàn kỳ hạn được, các nhà đầu cơ tìm cách quấy trên thị trường hàng thực bằng cách mua để đó chờ thời.

Ai cũng chờ thời. Bên nào “trúng thời”? Bên nào thua bên nào thắng? Những câu hỏi vẫn chưa có lời đáp, buộc các nhà kinh doanh cà phê phải hết sức thận trọng.

    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn