Nhờ đâu giá cà phê thoát đáy đôi?
Giá thoát đáy đôi
Giá cà phê trên thị trường nội địa tại các tỉnh Tây Nguyên đang quanh mức 37,5 triệu đồng/tấn hôm nay 4-4-2015, giảm 0,5 triệu đồng/tấn so với cách nay một tuần. Giá này vẫn vẫn cao hơn mức thấp nhất trong tuần chỉ 36 triệu đồng/tấn vào ngày 31-3.
Còn nhớ cà phê nguyên liệu tại một vài nơi ở Tây Nguyên chỉ được chào mua mức 35 triệu đồng/tấn ở giữa tháng trước, là mức thấp nhất niên vụ này.
Không chỉ vậy, đây là một hiện tượng khác lạ so với nhiều năm trước: thường sau Tết, đến tháng 3 hàng năm, giá vẫn còn mạnh, có khi cao hẳn do lượng cà phê vơi đi nhiều sau các đợt bán và xuất hàng trước Tết nhưng bấy giờ nhu cầu mua hàng vẫn tốt. Trong niên vụ 2014-15 bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, tại thời điểm tháng 3 vừa qua, giá cà phê nội địa lại phải chạm đáy hai lần.
Thoát sang tháng 4-2015 dù chỉ mới được hai ngày giao dịch, giá nội địa thoát đáy đôi (double bottom) lập trong tháng trước một cách đẹp mắt nhờ sự vực dậy nhanh của sàn kỳ hạn robusta châu Âu.
Giá kỳ hạn cà phê vượt “ba đào”
Biểu đồ 2: Diễn biến tỉ giá cặp đô la Mỹ và Real Brazil (nguồn: investing.com) |
Trên sàn kỳ hạn robusta châu Âu, giá khác ngay khi sang giao dịch quí mới và tháng mới. Giá đóng cửa sàn robusta đang ở mức thấp 1.722-1.729 đô la/tấn và những ngày cuối tháng trước tự nhiên bục lên nhanh trong hai ngày đầu tháng 4-2015. Đóng cửa ngày 2-4, giá kỳ hạn robusta chốt mức 1.778 đô la/tấn.
Giá tăng trong dịp này được thị trường cho là chịu tác động mạnh bởi tỉ giá đồng đô la và đặc biệt hiện tượng mạnh lại của đồng Real (BRL), bản tệ của Brazil.
Tuy được gọi là các sàn kỳ hạn cà phê, bản chất của chúng là thị trường tài chính phái sinh(derivatives), nên các yếu tố tài chính-tiền tệ có ảnh hưởng rất mạnh, nhiều khi lướt cả cung-cầu.
Chỉ số đồng đô la Mỹ trong rổ tiền tệ từ mức trên 100 điểm vào đầu tháng 3-2015 nay đang chỉnh xuống thấp. Đóng cửa ngày giao dịch 2-4, chỉ số đồng đô la Mỹ chỉ còn ở mức 97,67 điểm, mất gần 1,5 điểm so với tuần trước. Bên cạnh đồng đô la yếu lại, đồng BRL tăng đã làm giảm đà bán ra của giới đầu cơ trên sàn kỳ hạn arabica (Mỹ) và giúp giá hai sàn cà phê vượt khỏi chốn “ba đào”.
“Giá cà phê trước mắt tăng hay giảm phụ thuộc rất lớn vào tỉ giá đồng đô la Mỹ. Vừa qua, khi chỉ số đồng đô la Mỹ tăng, giá cà phê giảm, và ngược lại, một phản ánh rất bài bản và cổ điển giữa giá các sàn hàng hóa lấy nó làm đồng tiền thanh toán,” một nhà phân tích thị trường tại TP. HCM cho biết.
Biểu đồ 3: Diễn biến giá cách biệt giữa hai sàn kỳ hạn arabica và robusta (nguồn: ICO) |
“Đồng thanh không tương ứng”
Tuy nhiên, nhiều người kinh doanh và sản xuất cà phê nước ta vẫn cho rằng tăng giảm giá cà phê trên các sàn kỳ hạn vẫn chịu ảnh hưởng lớn đến các cân cung-cầu.
Khi có tin các vùng cà phê Brazil thiếu nước và mưa về trễ trong dịp tháng 10-2014, giá hai sàn kỳ hạn bấy giờ tăng mạnh như sàn robusta lên quanh mức 2.200 đô la/tấn và arabica lên gần chạm mức 230 xu/cân Anh (cts/lb) tương đương với trên 5.000 đô la/tấn. Đọc được khả năng Brazil mất sản lượng, nhiều người trong nước ta mua hàng trữ để mong giá cao hơn bán kiếm lời.
Tuy nhiên, cho đến nay, không ngờ đấy chính là đỉnh của hai sàn kỳ hạn trong niên vụ này. Thậm chí, giá sàn arabica có khi mất gần đến một nửa chỉ còn quanh mức dưới 130 cts/lb cách nay vài tuần.
Khác biệt trong cách mua bán của Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu số 1 thế giới và nước ta số 2 là trong khi ngành cà phê ta gắn khít với giá sàn kỳ hạn robusta quá nhiều thì người làm cà phê Brazil hình như không lụy giá trên sàn là bao nhiêu, giá tới đâu bán tới đó.
Thật vậy, số liệu xuất khẩu cà phê của chính phủ Brazil cho biết trong tháng 3-2015 (tháng có giá thấp nhất trong niên vụ 2014-15) đạt 2,86 triệu bao (60kg x bao) so với tháng 2-2015 chỉ 2,51 triệu bao và với cùng kỳ năm ngoái là 2,46 triệu bao. Nếu so với ta, theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê tháng 3-2015 ước đạt 130.000 tấn giảm 52,6% so với cùng kỳ năm 2014!
Cùng là hai nước xuất khẩu cà phê lớn nhất nhì của thế giới, nhưng mua bán hoàn toàn không “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
Điều này càng thể hiện rõ trên chỉ số giá cách biệt giá giữa hai sàn kỳ hạn arabica và robusta. Tại thời điểm đầu vụ, mức chênh lệch giữa arabica với robusta chừng 125 cts/lb tức 2.750 đô la/tấn thì đến cuối tháng 3-2015 chỉ còn dưới mức 56 cts/lb hay chừng 1.250 đô la/tấn (xin xem thêm biểu đồ 3).
Giới kinh doanh chuyên nghiệp dựa trên độ vênh giá giữa hai loại cà phê để quyết định mua hàng loại nào nhiều hơn. Khi mức chênh lệch càng lớn, giá arabica mắc, người mua sử dụng robusta nhiều hơn. Khi mức này thấp, tức robusta mắc, giới kinh doanh sẽ mua arabica nhiều hơn.
Độ vênh hiện nay đang báo hiệu người mua đang tập trung vào loại arabica nhiều. Có lẽ vì vậy mà xuất khẩu cà phê nước ta đã giảm trong tháng 3-2015 và sẽ ít đi trong tháng 4-2015 này chăng?
Nguyễn Quang Bình
- Theo Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước ta có 22 tỉnh, thành và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính gồm: 08/04/2015
- Cần cuộc cách mạng về tư duy của cán bộ thuế 07/04/2015
- Người trồng mắc ca cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất 03/04/2015
- Xuất khẩu cà phê: được giá nhưng mất lượng 28/03/2015
- Yếu tố thiếu bền vững nhất của ngành cà phê 23/03/2015
- Mất quá nhiều thứ trong nửa đầu vụ cà phê 2014/15 14/03/2015
- 8 doanh nghiệp sản xuất cà phê hòa tan và 3 in 1 lớn nhất Việt Nam 12/03/2015
- Giá xăng tăng hơn 1.600 đồng 11/03/2015
- Thuế bảo vệ môi trường xăng dầu sẽ tăng 300% từ ngày 1/5 10/03/2015
- Kinh doanh cà phê: Liệu có lường được rủi ro? 07/03/2015