Giá kỳ hạn cà phê giảm, vì sao?
Không khí thị trường nặng nề mấy ngày cuối tháng 4-2015 là do “quả bom nổ chậm” vì một lượng hàng bán theo cách gá gởi đang chực chốt giá dựa trên sàn kỳ hạn trong mấy ngày cuối tháng này. Biểu đồ: Diễn biến giá robusta sàn kỳ hạn Ice châu Âu (tác giả tổng hợp)
Xuất hiện đợt bán mới Giá cà phê nội địa tại các vùng nguyên liệu ở Tây Nguyên trong tuần có khi nhích lên cận mức 39,5 triệu đồng/tấn nhưng chỉ trong chớp nhoáng, rồi lại quay đầu về mức 39 triệu đồng/tấn vào sáng hôm nay thứ Bảy 25-4. “Chỉ cần chạm mức 39,3 đến 39,5 triệu đồng/tấn, lượng cà phê bán mới khá tốt. Hàng đã có dấu hiệu lưu chuyển trên thị trường. Trước đây, dù có khi đạt 40 triệu/tấn, thị trường cà phê vẫn im phăng phắc,“ chủ một doanh nghiệp thu mua tại Pleiku, tỉnh Gia Lai cho biết. Đợt bán mới này chủ yếu là hàng từ nông dân, do họ sản xuất hay mua thêm một ít cất trữ. Sau hơn 6 tháng đợi chờ kể từ đầu vụ 1-10-2014 đến nay, giá không tăng như mong đợi, họ quyết định bán khi nghe tin một số nơi đã có vài trận mưa “vàng”, giải nhiệt cho cây cà phê đang “khát nước” trong giai đoạn cao điểm mùa khô tại Tây Nguyên. Đây cũng là đợt bán nhằm giải quyết nhu cầu tiền mặt để chuẩn bị mua phân bón, trả nợ đáo hạn ngân hàng… Như vậy, mua bán “mới” được hiểu là những giao dịch hàng thực, hàng hóa lưu chuyển từ kho người này sang kho người kia, tạo thành một thị trường có trao đổi qua lại lành mạnh. Nó khác hoàn toàn với mua bán hàng gá gởi. Vì hàng đã vào kho người mua từ lâu để nhận một khoản tiền ứng trước, đôi khi người mua là chủ kho đã thực hiện quyền sử dụng hàng bằng cách bán qua người thứ ba rồi, nay thấy thuận giá, bên bán hàng “ký gởi” chỉ cần chốt giá để hai bên có giá cuối cùng và “tất toán” hợp đồng mua bán bằng cách bù trừ tiền hàng còn lại với nhau. Do hàng đã bị nhốt vào kho từ trước, việc chốt giá bán để kết thúc hợp đồng chứ hàng thực sự không xuất hiện.
Hàng gởi kho, lo dễ sợ! Tuy giá có thể không cao như kỳ vọng, hàng bán ra trong đợt này ngay tại các vùng nguyên liệu ở các tỉnh Tây Nguyên vẫn cao hơn giá niêm yết trên sàn robusta Ice châu Âu. Giá sàn robusta kết thúc phiên cuối tuần hôm qua 24-4 chốt mức 1.816 đô la Mỹ/tấn, giảm 10 đô la/tấn so với tuần trước và mất 25 đô la/tấn so với đỉnh cao trong tháng này lập vào ngày 22-4. Chỉ cần bán với mức trên 39 triệu đồng/tấn, giá nội địa đã xấp xỉ hay cao hơn giá niêm yết sàn kỳ hạn đến sáng nay là 1.816 đô la/tấn. Trong khi đó, tin đồn thị trường cho rằng hiện còn chừng vài trăm ngàn tấn cà phê bán bằng cách gá gởi hàng trước vào kho, nhận tiền ứng trước 70%-80% giá thị trường được tính trên ngày giao hàng. Nguồn tin cũng cho rằng có nhiều lô hàng giao từ cuối năm ngoái đến nay vẫn chưa thể chốt giá bán được do trước đây bán “trừ lùi” dưới giá niêm yết. Do không thể chốt giá thấp vì thua lỗ đậm, nhiều người bán xin “khất” lại thời gian chốt giá về phía sau bằng cách giảm giá. Có hợp đồng trước đây đã bán mức trừ 70-80 đô la/tấn, thì nay vì tình hình ấy, giá bán đã trở thành trừ 150-200 đô la/tấn dưới giá kỳ hạn. Chỉ cần lấy mức cao nhất là trừ 150 đô la/tấn chẳng hạn, nếu hiện nay người bán chốt giá để tất toán dựa trên giá kỳ hạn sáng nay, họ chỉ còn nhận được chừng 35-36 triệu đồng/tấn. Thua lỗ thấy rõ, nên nhiều người bán theo cách gá gởi này đang vào thế tiến thoái lưỡng nan: chốt giá bán thì lỗ, xin khất để lùi lại đến tháng 6-2015 không biết liệu giá có tăng. Đúng là quả “bom nổ chậm” Quyền chốt giá trên cơ sở tháng 5-2015 của nhiều hợp đồng bán hàng theo cách này chỉ còn đúng 4 ngày nữa là hết hạn. Giá trong những ngày cuối tháng 4-2015 giảm là phải do áp lực chốt giá trên sàn của những lô hàng giao vào kho nhưng chưa chốt giá cuối cùng như thế này. Giả sử chỉ còn chừng 150.000 tấn phải bán thoát, sức ép chốt giá sẽ mạnh chừng nào nếu như bên mua không chịu cho “khất” chốt về sau một lần nữa! Thế nhưng, hệ lụy của những lần khất hay chuyển sang tháng sau chốt giá (rolling) là bao lâu khối lượng cà phê ấy chưa được bán thoát ra, giá kỳ hạn vẫn phải ì ạch khó bung được vì thị trường đã biết quá rõ.
Đây chính là quả “bom nổ chậm” cho thị trường nếu như không được gỡ. Vì, “nếu tất cả ngần ấy lượng hàng chốt trong vài ngày, giá kỳ hạn sẽ sụp đổ; nếu biết cách, cứ phải mỗi lúc chốt giá một ít, thoát dần thế bí, chấp nhận thua lỗ để tìm hướng mới, giá kỳ hạn thoát khỏi sức ép bán ra một lúc và có điều kiện thăng hoa”, một nhà phân tích thị trường giải thích. Từ đầu niên vụ đến nay, đoán giá tăng, nhiều doanh nghiệp cà phê trong nước đã mua cà phê trữ. Tuy nhiên, vốn có hạn, họ buộc phải chuyển một lượng hàng lớn vào tay các chủ kho và chấp nhận bán mức trừ so với giá niêm yết sàn kỳ hạn (discount) vì giá nội địa cao không cân đối được đầu vào và đầu ra. Nhận tiền ứng trước khi gởi hàng bao nhiêu, họ lại mua hàng gởi tiếp và không ngờ đã tạo nên quả “bom nổ chậm” hại ngay chính mình.
- TTO - Chiều ngày 4-6, Bộ Công thương đã chính thức công bố văn bản điều hành giá xăng dầu, 04/06/2015
- Xuất khẩu cà phê: Thách thức 4 tháng cuối vụ 01/06/2015
- Giá xăng tiếp tục tăng 1.200 đồng 21/05/2015
- NHNN điều chỉnh tỷ giá tăng thêm 1% 07/05/2015
- Giá xăng tăng kỷ lục 06/05/2015
- Ai sẽ đoán đúng hướng giá cà phê? 04/05/2015
- Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 thành công tốt đẹp 25/04/2015
- Thông báo: Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2015 10/04/2015
- Hệ lụy của việc ồ ạt trồng cà phê ngoài quy hoạch 08/04/2015
- Theo Cục trồng trọt (Bộ NNPTNT), hiện nay cả nước ta có 22 tỉnh, thành và 105 huyện trồng cà phê với 5 vùng sản xuất chính gồm: 08/04/2015