Giá cà phê treo cao ngay thời thu hoạch rộ
Biểu đồ 1: Diễn biến đóng cửa giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu tháng 11-2014 (tác giả cập nhật) |
Bán ra ít, giá cao?
Tuy đang thu hoạch rộ, giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu và thị trường nội địa từ đầu niên vụ ngày 1-10 đến nay liên tục được treo cao. Giá đóng cửa kỳ hạn suốt hai tháng chưa có khi nào xuống dưới mức 2.000 đô la/tấn. Riêng trong tháng 11-2014, giá thấp nhất ở mức 2.007 đô la/tấn và cao nhất 2.099 đô la/tấn. Do sàn kỳ hạn dao động không nhiều, giá nội địa cũng chao trong mức vừa phải, từ 39 triệu đồng/tấn đến trên 41 triệu đồng/tấn.
Nhiều người ngạc nhiên vì giá nội địa ở mức ấy được cho là cao nhưng hàng bán ra và xuất khẩu không mạnh. Tổng cục Thống kê ước tính trong hai tháng đầu vụ, nước ta chỉ xuất khẩu chừng 190.800 tấn cà phê, trong đó tháng 11-2014 đạt 95.000 tấn.
“Người mua và đầu cơ đang trông mong giá thấp để mua vào nhưng do xuất bán không nhiều, không tạo thành sức ép bán ra, nên giá kỳ hạn và nội địa đã có điều kiện đứng ở mức cao”, một chuyên gia ngành hàng giải thích.
Một xảo thuật chặn hàng đi?
Tuy nhiên, theo người kinh nghiệm, phía sau hiện tượng giá treo cao ấy, cái đáng lo là xét về mặt kỹ thuật, cơ cấu giá kỳ hạn giao dịch trên các tháng 11-2014, tháng 1 và 3-2015 cứ líu ríu với nhau, mức chênh lệch không lớn.
Biểu đồ 2: Giá đóng cửa các tháng gần nhất của sàn robusta Ice châu Âu trong tháng 11 (tác giả cập nhật) |
Trong điều kiện bình thường, giá kỳ hạn các tháng sau thường cao hơn tháng trước chừng từ 20-30 đô la/tấn. Số tiền chênh lệch ấy được hiểu là chi phí tài chính, lưu kho, hao hụt... Nhưng trong tháng 11-2014 này, giá giao dịch kỳ hạn 3 tháng nói trên không cách biệt nhau mấy (xin xem biểu đồ 2: trích ngẫu nhiên 4 phiên có giá đóng cửa trong tháng 11).
Hiện tượng này nói lên rằng nếu bán hàng giao ngay, sẽ được hưởng giá cao; còn bán hàng giao càng xa, như tháng 5 hay tháng 7 năm 2015 chẳng hạn, sẽ chịu giá thấp hơn. Đây là một nghịch lý vì đáng lẽ giao xa, lô cà phê phải được cộng thêm chi phí như đã nói nhưng theo cấu trúc giá kỳ hạn như trên, người bán không được hưởng gì. Giá mua bán hoàn toàn tréo ngoe: người bán đòi giá giao xa cao hơn, nhưng người mua chỉ trả giá cao cho hàng giao ngay, còn giá giao xa phải thấp hơn. Chính vì thế, người mua kẻ bán khó gặp nhau trong giai đoạn giá được cho là khá thuận lợi cả trên sàn kỳ hạn lẫn tại thị trường nội địa.
Cấu trúc giá kỳ hạn đó cũng được gọi là giá vắt (price squeezing), tuy không gắt lắm, ý nói giá tháng giao ngay không tăng quá cao, cách biệt lớn 50-100 đô la/tấn như các lần vắt trước. Thậm chí, “sợ khi tháng giao ngay 11-2014 hết hạn giao dịch, cấu trúc sẽ quay dần về bình thường, nhu cầu cho hàng giá cao và lợi điểm ấy không còn, giá xuất khẩu và giá kỳ hạn sẽ không cương như tháng vừa qua, mà phải đợi cơ hội khác, như tháng 1-2015 hay trễ hơn,” vị chuyên gia phát biểu.
Đấy có thể là một xảo thuật nâng giá ngay đầu vụ để tạo tâm lý đầu cơ, chặn đường hàng đi của những hãng kinh doanh cà phê nhưng buôn tài chính. Vì chưng nếu không ghìm lại, tồn kho tích trữ trên sàn sẽ bị đe dọa vì giá và họ phải chịu thua lỗ lớn với sức ép bán ra nếu có. Lượng tồn kho đạt chuẩn (certs) được sàn kỳ hạn robusta cập nhất gần nhất vào đầu tháng 11-2014 đạt 122.910 tấn. Nếu đúng như thế, có lẽ người bán đã lỡ ngay chuyến đò đầu vụ.
Sản lượng giảm nhưng vẫn lớn
Dự báo sản lượng và xuất khẩu được giới chuyên môn mong đợi từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ra tuần qua ước rằng sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2014/15 có thể đạt 29,3 triệu bao (bao = 60kg) hay chừng 1,76 triệu tấn, chỉ giảm trên dưới 500.000 bao so với vụ trước. Ước báo này cũng cao hơn chừng 2 triệu bao so với ước đoán của Volcafe - hãng kinh doanh cà phê đặt trụ sở tại Thụy Sĩ và có cở sở chế biến tại nước ta.
Một số vùng cà phê Việt Nam bị dịch bệnh và biến đổi khí hậu, nên theo Volcafe, sản lượng chỉ chừng 27,4 triệu bao. Tuy nhiên, USDA khẳng định rằng “một số nông dân bảo mất sản lượng do năm trước được mùa quá, nhưng thời tiết cả vụ mùa nói chung khá thuận lợi”. Họ cũng cho rằng sản lượng không mất mấy do diện tích nay tăng lên 670.000 héc-ta, tăng 5% so với năm trước, cao hơn nhiều so với kế hoạch là 500.000 héc-ta trước đây.
USDA cũng ước rằng niên vụ 2014/15, Việt Nam có thể xuất khẩu 26,63 triệu bao cà phê, giảm 150.000 bao do chịu cạnh tranh từ các nước xuất khẩu khác là Ấn Độ và Indonesia.
Thị trường tuần qua
Hôm qua, tại phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11-2014, giá kỳ hạn robusta Ice châu Âu quay đầu giảm 20 đô la/tấn so với ngày hôm trước, như vậy mất 23 đô la/tấn so với đỉnh trong tháng, nhưng lại tăng 69 đô la/tấn so với đáy lập ngày ngày 6-11 (xin xem biểu đồ 1).
Giá sàn arabica New York chốt mức 187,45 cts/lb (xu/cân Anh), giảm 6,8 cts/lb hay âm 150 đô la/tấn so với hôm trước nhưng chỉ mất 2,61 cts/lb so với ngày giao dịch đầu tháng.
Giá cà phê nguyên liệu sáng nay thứ Bảy 29-11 còn ở mức 40,5 triệu đồng/tấn, giảm 500.000 đồng/tấn so với tuần trước.
Nguyễn Quang Bình | |
Thứ Bảy, 29/11/2014, 09:08 (GMT+7) |
- Sáng nay 02/12/2014, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 100 đồng 02/12/2014
- Chưa bỏ được con dấu doanh nghiệp 28/11/2014
- DN Ý khai trương nhà máy rang xay cà phê tại Bình Dương 26/11/2014
- Doanh nghiệp kỳ vọng giá nông sản sẽ tăng 25/11/2014
- Giá xăng giảm 1.140 đồng 22/11/2014
- Thông báo cho thuê dung tích bồn chứa xăng dầu 22/11/2014
- Bình tĩnh trước dao động giá Cà phê 22/11/2014
- Xăng dầu phải đợi 15 ngày mới thay đổi giá! 21/11/2014
- Sáng nay, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên giảm 300 đồng 21/11/2014
- Lại đợi xăng dầu giảm giá 19/11/2014