Tan tác thị trường cà phê!

31/05/2013  

(TBKTSG Online) - Chỉ sau một tuần, giá cà phê trên thị trường nội địa giảm 2.000 đồng/kg. Chỉ cần một tuyên bố hay một tin đồn từ ai đó, giá hàng hóa trên các sàn kỳ hạn, rất khăng khít với thị trường tài chính, đua nhau tháo chạy tán loạn.  


Giá đua nhau đổ nhào
Biểu đồ 1: Giá đóng cửa sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE tuần qua (tác giả tổng hợp).

Suốt nhiều tháng qua, đã có không biết bao nhiêu thông tin đầy thiện ý với mục đích hỗ trợ, đẩy giá cà phê lên như hạn hán, cung cấp thiếu hụt, xuất khẩu giảm mạnh… nên người còn cà phê trong tay vẫn nuôi kỳ vọng sẽ có mức cao như 45.000 – 50.000 đồng/kg. Tuần qua, ai đặt kỳ vọng giá tăng càng cao, càng thất vọng lớn.
Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đang lìa dần mức kỳ vọng 45.000 đồng/kg để quay về mức thấp 41.000 đồng/kg. Thực vậy, sáng hôm nay, giá cà phê nội địa chỉ còn đứng quanh mức  41.500 đồng/kg, giảm 2.000 đồng so với cách đây một tuần.
Với mức ấy, người còn giữ hàng đành phải chờ “chuyến đò” khác, vì nếu bán ra, ắt hẳn chịu lỗ do lỡ mua vào mức cao như 43.000-44.000 đồng. Mặt khác, giá kỳ hạn xuống quá nhanh, bên mua cũng đang “bần thần”, chưa định được thị trường đi tiếp hướng nào.
Tại sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE London, ngày qua ngày khác giá xuống nhanh. Đóng cửa phiên cuối tuần khuya thứ Sáu 24-5, tức rạng sáng thứ Bảy 25-5 giờ Việt Nam, giá niêm yết tháng giao dịch chính (7-2013) chốt tại mức 1.952 đô la/tấn, vực lên lại từ mức 1.937 đô la/tấn, là mức giao dịch thấp nhất tính từ ngày 10-1-2013 đến nay (xin xem biểu đồ 1 phía trên).
So với tuần trước, giá London đi mất 85 đô la/tấn. Sàn kỳ hạn Ice của cà phê arabica tại New York thê thảm hơn: rớt 9,65 cts/lb tức chừng 213 đô la/tấn.
Nghe rằng, thị trường tài chính thế giới, trong đó có các sàn kỳ hạn cà phê rung chuyển khi vị Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke dự kiến giảm dần chương trình kích cầu, tức hãm dần lượng tiền “in mới” vào các thị trường nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ như đã từng làm trước đây.
Có lẽ đó là tác nhân chính để đầu cơ tài chính “buông” cổ phiếu và hàng hóa giao dịch chỉ với chủ đích tài chính mà ta thường gọi là “hàng giấy”, tạo ra cảnh tan tác vừa qua trên thị trường cà phê.
Thông tin cung-cầu khá bất lợi
“Họa vô đơn chí”, thật xui cho thị trường cà phê. Đồng lúc đó, báo cáo thường kỳ của Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO) phát hành cho tháng 4-2013 thấy toàn những con số lớn.
Biểu đồ 2: Xuất khẩu cà phê thế giớ 6 tháng đầu niên vụ cao kỷ lục (nguồn: ICO)

ICO nói rằng xuất khẩu cà phê thế giới trong 6 tháng đầu niên vụ 2012-13, tức từ 1-10-2012 đến 31-3-2013, đạt mức cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng cà phê thế giới từ trước đến nay với 56,1 triệu bao (60 kg x bao), tăng 7% so với cùng kỳ cách đấy 1 năm (xin xem biểu đồ 2). Trong đó, lượng robusta xuất khẩu quá mạnh, đạt 22,2 triệu bao, tăng 15% so với cùng kỳ vụ 2011-12.
Riêng châu Á và châu Đại dương, xuất khẩu chủ yếu robusta, trong kỳ đạt 20,6 triệu bao, đây cũng là kỷ lục xuất khẩu 6 tháng đầu niên vụ của vùng này so với cùng kỳ của các vụ trước. Thống kê ICO cũng cho rằng, xuất khẩu cà phê của nước ta trong thời gian này đạt 12,4 triệu bao, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Indonesia, tuy con số không bằng nước ta, xuất khẩu trong kỳ cũng đạt kỷ lục 5,2 triệu bao, tăng 71,4% so với cách đấy 12 tháng. Tỉ lệ xuất khẩu vùng châu Á và châu Đại dương chiếm hơn 1/3 tổng lượng xuất khẩu của thế giới.
Thống kê xuất khẩu của ICO thường được hiểu là các lô hàng đã giao xuống tàu, ra khỏi nước xuất khẩu(sold & shipped) chứ không tính hàng còn nằm trong các kho ngoại quan (sold & unshipped).
Biểu đồ 3: Tồn kho Cà phê châu Âu ECS (tác giả tổng hợp).

Báo cáo thường kỳ của Liên đoàn Cà phê châu Âu (European Coffee Federation – ECF) cho biết rằng tồn kho cà phê châu Âu thuộc diện kiểm soát của tổ chức này tính đến hết tháng 3-2013 tăng 108.831 bao so với tháng 2-2013, đạt mức 10.329.674 bao. Như vậy, sau 12 tháng tính từ tháng 3-2012, lượng tồn kho cà phê châu Âu tăng 938.399 bao.
Châu Âu, Mỹ và Nhật là ba khối nước tiêu thụ cà phê lớn của thế giới. Số liệu tồn kho của khối này có thể ảnh hưởng đến giá sàn kỳ hạn và giá xuất khẩu của 2 loại cà phê robusta và arabica.
Nguyễn Quang Bình
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn