Tổng hợp thị trường hàng hóa thế giới tuần từ 13-19/5

20/05/2013  

Giá hàng hóa tuần này tăng nhẹ trở lại chủ yếu do kỳ vọng nới lỏng tiền tệ của Chính phủ các nước. Chỉ số S&P GSCI, theo dõi giá 24 loại hàng hóa nguyên liệu thô tăng 0,4% lên 632,05 điểm, dẫn đầu là giá ngũ cốc.


Tuần qua, giới đầu tư đón nhận nhiều thông tin kinh tế vĩ mô gây thất vọng từ Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 giảm 0,4%, mạnh nhất từ tháng 12/2008, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp tuần kết thúc ngày 11/5 tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 3 lên tổng cộng 360.000 đơn.

Tuy vậy, các nhà đầu tư cho rằng, những số liệu không mấy khả quan này sẽ kích thích các nhà hoạch định chính sách áp dụng mạnh hơn nữa các biện pháp nới lỏng tiền tệ, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ giá hàng hóa nguyên liệu.

Kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi với GDP quý I tăng mạnh nhất 1 năm qua. Đồng USD tiếp tục tăng mạnh hơn và thị trường chứng khoán Mỹ liên tục lập kỷ lục mới.

Dầu thô

Giá dầu không biến động nhiều so với tuần trước, giá dầu thô WTI giao dịch tại sàn Nymex kỳ hạn tháng 6 giảm 2 cent xuống còn 96,02 USD/thùng, trong khi đó giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn tăng 0,7% lên 104,64 USD/thùng.

Đầu tuần, giá dầu thô tiếp tục đà giảm của tuần trước. Phiên ngày thứ 3 (14/5), giá rơi xuống thấp nhất 2 tuần chủ yếu do lo ngại của giới đầu tư về kinh tế thế giới toàn cầu tăng trưởng chậm lại kéo theo thu hẹp nhu cầu tiêu thụ.

Tuy nhiên 3 phiên cuối tuần, giá dầu phục hồi trở lại. Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) thông báo dự trữ dầu thô nước này trong tuần kết thúc ngày 10/5 bất ngờ giảm 624.000 thùng, sản lượng sản xuất ra cũng giảm từ mức cao nhất 22 năm ghi nhận tuần trước đó. Sau thông tin này giá dầu tăng trở lại, phục hồi hầu hết lượng giảm giá 4 phiên liên tiếp.

Giá dầu thô còn được hỗ trợ bởi 1 số thông tin vĩ mô niềm tin tiêu dùng Mỹ cải thiện, kinh tế Nhật Bản có dấu hiệu phục hồi rõ rệt. Ngoài ra, các nhà đầu tư còn kỳ vọng Chính phủ các nước sẽ tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, tăng tiêu thụ dầu và khí đốt.

Vàng

Giá vàng giảm 7 phiên liên tiếp, ghi nhận đợt giảm giá dài nhất 4 năm. So với tuần trước giá vàng giảm hơn 5%. Giá vàng giao tháng 6 trên sàn Comex chốt tuần tại 1364,7 USD/oz. Giá vàng liên tục giảm do đồng USD mạnh hơn cộng với động thái ồ ạt bán ra của các quỹ ETF.

Trong tuần này, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust bán ra tổng cộng 13,2 tấn vàng. Lượng nắm giữ vàng hiện nay của quỹ này là 1.038,4 tấn, trị giá 45,68 tỷ USD, thấp nhất kể từ tháng 3/2009.

Từ đầu năm đến nay, SPDR bán ròng hơn 312 tấn vàng, gấp 3 lần lượng mua ròng năm ngoái. Đầu tuần, Bloomberg cũng đưa ra con số thống kê, các quỹ vàng đã rút ra kỷ lục gần 21 tỷ USD từ đầu năm tới nay, chứng tỏ sức hấp dẫn đầu tư mặt hàng này ngày càng yếu đi, trong khi các chỉ số chứng khoán thế giới liên tục lập đỉnh mới.

Đồng

Giá đồng giao dịch trên sàn LME giảm 0,9% so với tuần trước, chốt tuần tại 7.305 USD/tấn. Giá đồng giảm chủ yếu do nguồn cung dự trữ còn khá cao trong khi cầu hạn chế. Dự trữ đồng của sàn LME hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 8/2003, dự trữ đồng tại sàn Thượng Hải giảm xuống thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Giá đồng phụ thuộc nhiều vào tình hình kinh tế thế giới cho biết khả năng tiêu thụ. Ngân hàng JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc từ 7,8% xuống còn 7,6% năm 2013, niềm tin đầu tư tại Đức tháng 5 tăng chậm hơn dự báo, sản lượng công nghiệp Mỹ tháng 4 cũng giảm mạnh nhất 8 tháng. 3 nước trên đều là những nhà tiêu thụ đồng lớn của thế giới, thông tin kinh tế và tình hình sản xuất không mấy khả quan đẩy giá nguyên liệu kim loại đi xuống.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Giá ngô tiếp tục tăng so với tuần trước, giá giao tháng 7 trên sàn Chicago chốt tuần tại 6,5275 USD/giạ, tăng 2,5%. Giá đậu tương giao kỳ hạn tháng 7 tăng 3,5% lên 14,484 USD/giạ. Tuy nhiên giá lúa mì giao cùng kỳ hạn giảm 2,9% xuống 6,832 USD/giạ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết dự trữ ngô nước này kết thúc vụ mùa này vào ngày 31/8 tới sẽ giảm 23% so với cùng kỳ do trận hạn hán tồi tệ xảy ra mùa hè năm ngoái. Dự trữ ngô toàn cầu giảm khoảng 5,1%. Đây là nguyên nhân khiến giá ngô tăng. Trong khi đó, giá lúa mì giảm do dấu hiệu xuất khẩu của Mỹ chững lại do cạnh tranh cao từ Ấn Độ và Australia. Trong khi đó, Nhật Bản hạn chế mua vào.

 
Theo Dân Việt
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn