Giải pháp nào để xuất khẩu thành công và bền vững?

07/05/2013  

Doanh nghiệp phải có những giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm...  


Trong những năm qua, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn luôn là mục tiêu mà các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới. Tuy nhiên, để xuất khẩu bền vững và có chỗ đứng vững chắc tại các thị trường này trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay lại là bài toán khó cho các doanh nghiệp.
Theo ông Đào Ngọc Chương, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công Thương, những năm gần đây, bức tranh kinh tế của Việt Nam và thế giới đã khởi sắc rất nhiều. Nếu như năm 2001, chúng ta bắt đầu nhập siêu từ Trung Quốc, thì đến nay đã bắt đầu xuất siêu. Một trong những thị trường được coi là điểm sáng trong xuất khẩu của Việt Nam là Châu Á - Thái Bình Dương. 

Năm 2012, xuất khẩu sang thị trường này đạt kim ngạch hơn 57 tỷ USD, gấp hơn 2,5 lần kim ngạch xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Đây được coi là thị trường tiềm năng mà hàng hóa của Việt Nam có nhiều lợi thế cạnh tranh do hàng loạt Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước trong khu vực đã và đang được ký kết.

Ông Đào Ngọc Chương phân tích: Để xuất khẩu hàng hóa vào khu vực này, các doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng chiến lược, tìm hiểu kỹ thị trường và thị hiếu của người dân. Hơn nữa, mỗi nước đều có những quy định và yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng đối với hàng nhập khẩu, do vậy, việc đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu cho phù hợp là một yếu tố quan trọng quyết định thành công.
“Trong bức tranh chung của xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, thị trường châu Á - Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn, đó là động lực giúp chúng ta tiếp tục thực hiện định hướng xuất khẩu đã định ra. Cụ thể, trong những năm qua thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm trên 40% về xuất khẩu và chiếm 60% nhập khẩu của Việt Nam với cả thế giới. Việc từ chỗ chủ động mà chúng ta hội nhập để nhập nguồn nguyên liệu có lợi cho phát triển kinh tế và xuất khẩu đến chỗ chúng ta chủ động đầu tư thay thế, hạn chế nguồn nhập khẩu này là những bước đi cần thiết” - ông Đào Ngọc Chương cho biết.
Trong lĩnh vực xuất khẩu, chinh phục các thị trường lớn luôn là mục tiêu mà các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới. Tại thị trường Châu Âu những năm gần đây, Đức là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Điều này thể hiện, từ năm 2010 đến nay, tổng giá trị xuất nhập khẩu giữa Đức và Việt Nam là hơn 4 tỷ USD, đến năm 2012, riêng giá trị xuất siêu của Việt Nam sang thị trường này đã là 4,2 tỷ USD. Các mặt hàng chiếm ưu thế là dệt may, cà phê, gỗ, giầy dép...
Bà Đào Thu Trang, Chuyên gia tư vấn - Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho biết, để duy trì vị thế của mình tại thị trường Đức nói riêng và thị trường Châu Âu nói chung thì điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng về chất lượng sản phẩm, đảm bảo yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, tiếp đó là các yếu tố trách nhiệm xã hội của những nhà nhập khẩu, nhà sản xuất đối với những sản phẩm của mình.
Một điều quan trọng nữa là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đưa được sản phẩm tới người tiêu dùng Đức thông qua các kênh như Hội chợ, triển lãm... để quảng bá, xây dựng thương hiệu và tiếp cận các đối tác tiềm năng.
“Quan trọng hơn là khả năng tài chính của doanh nghiệp, sản phẩm của họ đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu hay chưa. Doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin, thủ tục về mặt xuất khẩu, tìm hiểu những yêu cầu về mặt chất lượng như thế nào đối với sản phẩm nhập khẩu đó. Điều đó để chắc chắn rằng những sản phẩm của mình không gặp bất cứ vấn đề gì khi xuất khẩu và chắc chắn rằng mình sẽ tìm được kênh phân phối phù hợp với ngành hàng của mình. Giá cả cũng là vấn đề mà hàng hóa của Việt Nam so với các nước ASEAN. Các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm hướng nào đó để có thể cạnh tranh tốt hơn về mặt giá cả. Chất lượng luôn là tiêu chuẩn mà người tiêu dùng châu Âu đòi hỏi rất cao” - bà Đào Thu Trang khuyến nghị các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào Châu Âu.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương, để xuất khẩu bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp phải có những giải pháp căn cơ về phát triển sản xuất, trong đó chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại mà trọng tâm là đàm phán thành công các Hiệp định thương mại tự do vào các thị trường trọng điểm, nhiều tiềm năng. Điều này sẽ đóng vai trò chiến lược, đảm bảo đầu ra ổn định cho hàng hóa xuất khẩu.
“Những thị trường mà hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu chính đóng vai trò hết sức quan trọng, đó là kim ngạch rất lớn trong các kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Chúng tôi đã đưa các chương trình có trọng tâm được ưu tiên, đối với những thị trường mới mở và thị trường tiềm năng, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng như các chương trình xúc tiến thương mại khác. Chúng tôi rất mong các doanh nghiệp mạnh dạn hơn, tiến hành các hoạt động về xúc tiến thương mại, tìm hiểu thị trường cũng như đầu tư một cách thích đáng về kinh phí cho các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường này” - ông Đỗ Thắng Hải nói.
Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu cho rằng để xuất khẩu thành công và bền vững, doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh đáng tin cậy cho các sản phẩm, thiết lập mối quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác nước ngoài, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong nước có thể dẫn đến mất thị phần vào tay các doanh nghiệp nước ngoài./.
Theo Chung Thủy

VOV
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn