Tổng hợp thị trường hàng hóa thế giới tuần 22-28/4/2013

30/04/2013  

Chỉ số S&P GSCI phục hồi từ mức thấp nhất 7 tháng cuối tuần trước, tăng 2,4%. Giá dầu thô tăng mạnh nhất 10 tháng. Thị trường tuần qua chứng kiến sự phục hồi giá của hầu hết hàng hóa nguyên liệu. Các thông tin kinh tế vĩ mô và lực mua vào mạnh mẽ trong lúc giá thấp ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường.

Đầu tuần, thị trường được hỗ trợ mạnh mẽ nhờ thông tin G20 chấp thuận chương trình nới lỏng tiền tệ của Nhật Bản. Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện tăng gấp đôi lượng tiền cơ sở, hạ giá đồng yên, tuy nhiên không hề bị G20 chỉ trích như giới đầu tư lo ngại cuối tuần trước. Điều này cổ vũ kinh tế nước này phục hồi, cải thiện nhu cầu tiêu thụ hàng hóa phục vụ sản xuất.

Tuy nhiên, số liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc lại gây thất vọng cho giới đầu tư. Chỉ số quản lý thu mua sản xuất (PMI) sơ bộ tháng 4 của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ quý I đều không đạt kỳ vọng. Đây là 2 thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn nhất thế giới. Những thông tin kinh tê tiêu cực sẽ làm thu hẹp nhu cầu tiêu thụ, kéo giá đi xuống.

Lực mua vào tăng cường dự trữ tận dụng giá xuống thấp diễn ra mạnh mẽ trên các thị trường kim loại quý, kim loại cơ bản, nông sản. Đặc biệt đối với thị trường vàng vật chất, cơn sốt mua vàng trang sức châu Á lên mạnh nhất 30 năm, doanh số bán vàng xu ở Mỹ cũng cao nhất 3 năm qua.

Chỉ số S&P GSCI, theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu thô tuần này tăng 2,4% lên 622,29 điểm.

Dầu thô

Trên sàn Nymex, giá dầu thô WTI giao kỳ hạn tháng 6 tăng 5,7% so với tuần trước lên 93 USD/thùng, ghi nhận tuần tăng mạnh nhất kể từ ngày 29/6. Giá dầu Brent trên sàn ICE tăng 3,5% lên 103,16 USD/thùng. Trong tuần có phiên chênh lệch giá giữa 2 loại dầu này thu hẹp xuống dưới 10 USD/thùng, thấp nhất 15 tháng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) thông báo nhu cầu tiêu thụ xăng lên cao nhất 5 tháng đạt 8,75 triệu thùng/ngày trong khi các nhà máy lọc dầu hiện mới bắt đầu quay lại sản xuất sau tháng bảo trì từ cuối mùa đông, hoạt động chỉ đạt hơn 80% công suất.

Đầu tuần có thông tin OPEC sẽ họp bàn về vấn đề giá dầu giảm xuống dưới 100 USD/thùng. Tuy nhiên, giá dầu nhanh chóng phục hồi trở lại và hội nghị thường niên của tổ chức này sắp diễn ra dẫn đến 1 cuộc họp bất thường không được tiến hành. Theo hãng theo dõi vận chuyển dầu Oil Movement, lượng hàng xuất khẩu OPEC sẽ được tăng cường cho đến giữa tháng 5 nhờ nhu cầu mạnh từ châu Á. Iran tiếp tục tìm kiếm các thị trường tiêu thụ mới bất chấp áp lực các biện pháp trừng phạt của phương Tây xoay quanh vấn đề hạt nhân của nước này.

Vàng

Giá vàng tuần này tăng mạnh nhất 3 tháng nhờ lực mua vật chất mạnh sau 2 phiên lao dốc tuần trước. Người dân châu Á ồ ạt mua vàng trang sức, lực mua được đánh giá mạnh nhất 30 năm. Hãng U.S Mint của Mỹ cũng cho biết doanh số bán vàng xu mạnh nhất 3 năm qua, riêng loại vàng xu kích thước nhỏ nhất còn cháy hàng, không đủ cung để tiêu thụ.

Trên sàn Comex, giá vàng giao tháng 6 tăng 4,2%, chốt tuần tại 1.462,9 USD/oz. Kể từ khi lao dốc xuống thấp nhất 2 năm ghi nhận ngày 16/2, giá vàng đã phục hồi tổng cộng 10%.

Quỹ tín thác SPDR Gold Trust bán ra liên tục 14 phiên liên tiếp, tổng cộng 122 tấn vàng, đưa lượng nắm giữ xuống 1.083,05 tấn vàng, thấp nhất kể từ tháng 3/2009. Tổng lượng vàng nắm giữ của các quỹ ETF trong tháng 4 giảm mạnh nhất 9 năm, theo số liệu của Bloomberg cung cấp.

Ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt các thị trường mới nổi cũng tăng cường gom vàng trong lúc giá xuống thấp.

Đồng

Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn LME tăng nhẹ 0,5% so với cuối tuần trước, chốt tuần tại 7.030 USD/tấn. Trong tuần, có phiên giá đồng xuống thấp nhất 1,5 năm còn 6.762,25 USD/tấn.

Diễn biến giá đồng chủ yếu bám sát vào tình hình nhập khẩu của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất thế giới. Tổng cục hải quan nước này cho biết lượng đồng nhập khẩu trong tháng 3 giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giới đầu tư vẫn kỳ vọng trong mùa xây dựng tới, nước này sẽ tăng cường mua vào, bổ sung kho dự trữ nguyên liệu, vốn đang trong tình trạng khan hiếm.

Ngân hàng Goldman Sachs hạ dự báo giá đồng trong 3 tháng từ 8.000 USD/tấn xuống 7.000 USD/tấn, giá trong 6 tháng từ 9.000 USD/tấn xuống 8.000 USD/tấn, giá trong 12 tháng chỉ khoảng 7.000 USD/tấn thay vì dự báo 8.000 USD/tấn trước đây.

Tuần tới thị trường Trung Quốc nghỉ lễ Quốc tế lao động 3 ngày sẽ hạn chế khối lượng giao dịch kim loại cơ bản này.

Ngũ cốc, hạt có dầu

Trên sàn Chicago, giá ngô giao tháng 7 tuần qua giảm 2,1% giao dich tại 6,1975 USD/tấn, phiên ngày 24/4, giá chạm đáy 6,1 USD/giạ, thấp nhất 10 tháng. Giá lúa mì giao tháng 7 giảm 2,6% xuống 6,925 USD/giạ, giá đậu tương cùng kỳ hạn giảm 0,1% xuống 13,81 USD/giạ.

Giá ngũ cốc giảm trong tuần này do dự báo cung dồi dào. Theo Hội đồng ngũ cốc quốc tế, sản lượng ngô toàn cầu đạt 939 triệu tấn, dự trữ ngô cũng tăng 26 triệu tấn lên 143 triệu tấn trong vụ mùa 2012/2013. Nguồn cung được cải thiện đáng kể so với năm ngoái do điều kiện thời tiết thuận lợi, không có tình trạng hạn hán thiếu nước như mùa hè 2012.

Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ hạn chế từ Trung Quốc khi dịch cúm gia cầm chưa được kiểm soát, số người nhiễm H7N9 gia tăng và lây lan sang Hong Kong. Nhu cầu đối với thức ăn chăn nuôi cho gia cầm giảm đáng kể.
Theo Dân Việt
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn