Có bảo hộ, giá tăng gấp đôi

23/04/2013  

Bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ mở đường cho nông sản Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới. Sau ba năm thực hiện các thủ tục để được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GI) ở châu Âu, cuối năm 2012, thương hiệu nước mắm Phú Quốc (Kiên Giang) đã được Ủy ban châu Âu (EC) cấp quy chế bảo hộ GI tại Liên minh châu Âu (EU). Đây là thương hiệu đầu tiên của Việt Nam được cấp GI tại EU, mở ra cơ hội cho các mặt hàng nông sản tiềm năng khác.  


Lợi ích ba bên
Câu chuyện về bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản của Việt Nam đã được đem ra phân tích tại Hội thảo bảo hộ và đăng ký chỉ dẫn địa lý do Tổng cục NN&PTNT thuộc Ủy ban châu Âu tổ chức (Hà Nội ngày 22-4).
Ông Franz Jessen, Đại sứ-Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, khẳng định bảo hộ GI là cách tốt nhất để doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm nông nghiệp của mình. Ông Jessen cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản với các mặt hàng gạo, hồ tiêu, điều, cà phê... Chính vì vậy, triển khai tốt việc xây dựng, quản lý, khai thác càng nhiều sản phẩm có bảo hộ GI càng mang lại lợi ích kinh tế lớn.
“Việt Nam cần xây dựng tốt cơ chế bảo hộ GI đối với các sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ hỗ trợ đắc lực cho nông dân. Do Việt Nam có nền sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, trang trại, hộ sản xuất cá thể cho nên nông dân không đủ khả năng xây dựng, phát triển thương hiệu riêng” - ông Jessen nói.
Bà Audrey Aubard, chuyên gia tư vấn GI, cho biết thêm khi được cấp bảo hộ GI sẽ có rất nhiều cái lợi. Đối với nhà sản xuất, tên sẽ được bảo lưu cùng các sản phẩm đặc trưng và được sản xuất trong khu vực địa lý phân định. Nói cách khác là được bảo hộ sở hữu trí tuệ, duy trì và nâng cao các tiêu chuẩn thông qua một nguyên tắc tập trung, cạnh tranh bình đẳng. Trung bình giá sản phẩm có GI cao gấp 2,23 lần giá sản phẩm tương tự không có GI. Còn người tiêu dùng sẽ được đảm bảo an toàn về xuất xứ, chất lượng sản phẩm và đặc tính riêng biệt của sản phẩm.
“Đặc biệt sản phẩm sẽ được các doanh nghiệp bao tiêu với giá thành ổn định. Người dân được hỗ trợ về khoa học công nghệ, kỹ thuật chuyên môn, thiết bị máy móc...” - bà Aubard nhấn mạnh.
Tự lực là chính
Trở lại câu chuyện nước mắm Phú Quốc được cấp GI ở EU, bà Dương Mộng Thu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: trước khi được cấp GI ở châu Âu, chỉ dẫn địa lý Phú Quốc từng bị một doanh nghiệp Thái Lan đăng ký nhãn hiệu tại Pháp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thương hiệu và uy tín của nước mắm Phú Quốc. Theo bà, để được cấp GI thì phải trải qua chặng đường dài với nhiều quy trình kiểm định khắt khe.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, ông Đoàn Kim Ca, cho biết hiện nay cà phê Buôn Ma Thuột đã được bảo hộ GI ở nước ngoài nhưng dưới dạng nhãn hiệu tập thể, chứng nhận theo hệ thống Madid. Đây là nhãn hiệu tạo sự nhận biết tạm thời của các đối tác nước ngoài đối với cà phê Buôn Ma Thuột. Việc bảo hộ theo hệ thống Madid đang gặp trở ngại do một số quốc gia tạm thời từ chối đơn hàng.
“Việc xúc tiến bảo hộ GI cho cà phê Buôn Ma Thuột vào châu Âu đang cấp thiết vì phần lớn sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột đều xuất sang đây. Tuy nhiên, việc này gặp khó khăn về tư vấn kỹ thuật để xác lập hồ sơ cũng như kinh phí hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật và tổ chức đánh giá chứng nhận” - ông Ca chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), muốn được cấp bảo hộ GI ở trong nước hay nước ngoài thì doanh nghiệp phải tự đề xuất và nộp đơn. Sản phẩm được Việt Nam cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý chỉ được công nhận ở Việt Nam. Nhà sản xuất muốn bảo hộ chỉ dẫn ở nước nào hoặc khu vực nào trên thế giới phải tiến hành đăng ký ở đất nước đó. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ hướng dẫn thủ tục, quy trình cũng như giúp đỡ gửi hồ sơ đến các nước có cấp bảo hộ GI. Tuy nhiên, sản phẩm muốn được cấp bảo hộ GI trước hết phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm và các yếu tố khác liên quan.

Đến nay, Việt Nam đã có 35 sản phẩm được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý quốc gia. Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ. Dấu hiệu chỉ dẫn địa lý có thể bao gồm hình ảnh, địa danh, biểu tượng. Các sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý có thể bao gồm các sản phẩm tự nhiên; các sản phẩm nông nghiệp đồ ăn, đồ uống; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và sản phẩm công nghiệp.
(Nguồn: Cục Sở hữu Trí tuệ)
Nhà sản xuất phải tự bảo vệ thương hiệu
Nhiều sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhưng sau đó đối tượng khác lạm dụng, ảnh hưởng đến uy tín của nhà sản xuất. Trách nhiệm đầu tiên ở đây thuộc về nhà sản xuất bởi các cơ quan giám sát thị trường không thể nắm hết chất lượng, mẫu mã của tất cả sản phẩm trên thị trường. Cơ quan giám sát sẽ đồng hành khi nhà sản xuất phát hiện sản phẩm của mình bị làm nhái, ảnh hưởng đến thương hiệu và có ý kiến để tìm cách bảo hộ tốt nhất cho sản phẩm của mình.
Ông Nguyễn Hữu Nam,  Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ

Theo Huy Hà
Pháp luật TPHCM
    Tên của bạn *
    Email người nhận *
    Thông điệp của bạn